07/07/2011 - 20:50

Muốn làm giàu
phải kiên trì, năng động

Anh Trần Văn Bé Tư, đoàn viên khu vực Thới Thạnh Đông, trên đường đến các hộ để
thu mua mè.

Đó là những gì mà anh Trần Văn Bé Tư, khu vực Thới Thạnh Đông, phường Thới Long, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) đúc kết được qua gần 10 năm gắn bó và lập nghiệp tại quê nhà. Sự kiên trì, cần mẫn và sáng tạo trong lao động, sản xuất đã giúp người thanh niên 31 tuổi này từ cảnh nghèo khó trở thành triệu phú trẻ...

Suốt chặng đường dẫn tôi đến nhà anh Tư, anh Thái Hoàng Thanh Hiền, Phó Bí thư Đoàn phường Thới Long cứ tấm tắc kể về nghị lực, ý chí phấn đấu vươn lên thoát nghèo của anh Bé Tư. Anh Hiền cho biết: “Trong lúc nhiều thanh niên ly hương lên các thành phố lớn lập nghiệp thì anh Tư quyết tâm làm giàu trên quê hương mình. Thành công của anh Tư góp phần cổ vũ cho phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp tại địa phương”. Dù giờ đã có của ăn, của để nhưng lúc chúng tôi đến, anh Tư đang tất bật đi thu mua mè thuê cho một chủ vựa. Giữa trưa nắng chang chang, cả người mồ hôi nhễ nhại, anh Tư cười tươi chia sẻ: “Tôi mua mè mướn cho một chủ vựa đã hơn 5 tháng nay, mỗi tháng có thêm thu nhập trên 2 triệu đồng. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi sau khi thu hoạch mận mình làm thêm để có đồng ra, đồng vào”. Nhìn chiếc áo đã sờn vai, làn da rám nắng, đôi mắt thiếu ngủ vì thức khuya, dậy sớm của anh mới thấy quá trình vươn lên làm giàu thật chẳng dễ dàng.

Do gia cảnh nghèo, anh Tư phải nghỉ học khi mới tốt nghiệp cấp 2. Năm 1995, anh lập gia đình và được cha mẹ cho ra riêng với gần 2 công ruộng. Đứa con đầu lòng ra đời, cuộc sống chật vật, túng thiếu khiến anh cứ trăn trở tìm hướng làm ăn hiệu quả. Nhận thấy một số người trồng mận da xanh có hiệu quả, anh mua trồng thử hơn chục gốc mận, thấy cây cho trái sum suê và bán được giá nên năm 2000, anh quyết định gom hết số tiền dành dụm khoảng 10 triệu đồng để trồng cây mận da xanh này. Sau 2 năm, vườn mận nhà anh cho thu hoạch trên 80 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, có lúc anh cũng rơi vào tình cảnh mận trúng mùa nhưng rớt giá. Nhờ học kỹ thuật qua truyền hình, sách báo, trao đổi kinh nghiệm với một số nông dân, nhất là sau khi anh được tham dự lớp tập huấn do Đoàn phường phối hợp với Trung tâm dạy nghề quận tổ chức, anh Tư có thể tự chiết cây giống, cho trái nghịch mùa. Từ năm 2006 đến nay, vườn mận của anh Tư thường bán được giá khá cao (dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg). Từ số vốn tích lũy được và được Đoàn phường giới thiệu vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng, năm 2009, anh Tư đã mua thêm 4 công đất để trồng lúa.

Từng trải qua cảnh nghèo khó, anh Tư rất thấu hiểu, cảm thông với hoàn cảnh của những thanh niên nghèo và luôn nhiệt tình giúp đỡ các thanh niên ở địa phương phát triển kinh tế gia đình. Dù công việc bận rộn, nhưng khi anh em cần, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chiết cành, hướng dẫn kỹ thuật để mận ra trái nghịch mùa cho anh em... Vườn mận của anh cũng là điểm để thanh niên trong phường đến tham quan học hỏi kinh nghiệm. Tính đến nay, có 11 thanh niên trong khu vực và nhiều thanh niên khác trong phường được anh hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cũng đã ứng dụng thành công mô hình này, nhờ vậy cuộc sống dần khấm khá hơn... Anh Tư cũng tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn phường phát động, như: Hiến máu nhân đạo, phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường...

Đứng giữa vườn mận bông trái sai oằn, anh Tư cho biết còn rất nhiều việc phải làm để có được một mùa mận bội thu. Nhưng khi nghe anh Hiền, Phó Bí thư Đoàn phường hỏi chuyện học tiếp lên cấp 3 và thông báo địa phương sắp có lớp phổ cập cấp 3, ánh mắt anh Tư sáng lên niềm hy vọng. Anh Tư chia sẻ: “Vậy là tôi có cơ hội tiếp tục việc học mà mình đã bỏ dở dang do cảnh nghèo. Tôi sẽ cố gắng học hết cấp 3 để bổ sung thêm kiến thức, hiểu biết, đóng góp cho gia đình, xã hội nhiều hơn...”.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết