08/08/2012 - 20:39

Lòng nhân ái dành cho người khuyết tật

 Anh Hải kiểm tra công đoạn làm tranh mỹ nghệ tại cơ sở.

Không những làm giàu cho chính mình, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Hải (ở khu vực 3, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng) còn tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Người dân nơi đây rất cảm kích tấm lòng nhân hậu của vợ chồng anh chị và nghĩa cử đó đã thắp lên niềm tin và nghị lực cho những người có hoàn cảnh không may.

Tấm gương vượt khó của vợ chồng anh Hải là nguồn khích lệ nhiều người khuyết tật vươn lên. Anh Hải sinh trưởng trong gia đình nông dân đông con ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Tuổi thơ cơ cực đã sớm hình thành ở anh ý thức vươn lên, không khuất phục khó khăn. Năm 1989, tốt nghiệp đại học ngành điện tử tại Cần Thơ. Khoảng một năm sau, anh Hải lấy vợ và lập nghiệp ở đất Tây Đô với không ít khó khăn. Anh Hải xin làm việc công ty tư nhân, nhưng đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt, nên hàng đêm anh Hải chạy xe đạp ôm, kiếm thêm thu nhập. Anh Hải tâm sự: “Khi con trai đầu lòng ra đời, cuộc sống thêm phần khó khăn. Có thời gian, nhà không còn gạo ăn, vợ tôi phải bán cặp nhẫn cưới...

Năm 1993, anh Hải nghỉ làm ở công ty tư nhân và chuyển sang kinh doanh tự do. Vợ chồng anh đồng lòng vượt khó, tính toán giỏi, chỉ sau vài năm đã tích lũy mua đất rồi xây nhà. Mày mò học hỏi kiến thức, kinh nghiệm của nhiều người, anh Hải mở cơ sở nuôi cá kiểng và và nuôi cá tra bè, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình. Năm 1998, anh Hải tiếp tục học thêm đại học ngành kinh tế ở TP Hồ Chí Minh. Ba người con của anh Hải đều ngoan và học giỏi. Anh Hải còn nhận đỡ đầu 2 trẻ mồ côi. Anh Hải chia sẻ: “Chúng tôi luôn muốn chia sẻ với những người có hoàn cảnh không may, vì từng đồng cảnh ngộ nên cảm nhận được niềm an ủi khi có người quan tâm, giúp đỡ qua cơn khốn khó...”.

Những khi tiếp xúc với người khuyết tật, anh Hải luôn trăn trở với suy nghĩ làm gì để họ tự tin vào bản thân, có công việc ổn định để tự nuôi sống, không cảm thấy mình là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Với suy nghĩ đó, năm 2008, anh Hải tiếp nhận cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của người em thứ sáu, thành lập cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và dịch vụ dạy nghề cho người khuyết tật Thiên Ân. Lúc đầu, anh Hải gặp không ít khó khăn, vì nguồn hàng tiêu thụ không ổn định, thu nhập bấp bênh không đủ trang trải chi phí. Không nản chí, anh vận dụng kiến thức đã học và đưa ra chiến lược kinh doanh. Hằng ngày, vợ anh đi tiếp thị sản phẩm, chào hàng, thông qua mối quan hệ quen biết để mở rộng thị trường tiêu thụ... Sau bao cố gắng, cuối cùng, việc làm ăn cũng có tín hiệu khả quan. Giờ đây, sản phẩm tranh mỹ nghệ của anh Hải xuất khẩu qua các nước Ấn Độ, Mỹ... Anh Hải cho biết: “Trước khi thực hiện mô hình này, tôi đã tham quan, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi. Khó khăn của những mô hình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật là tài chính. Chính vì thế, chúng tôi tự lực cánh sinh, bằng cách huy động nguồn lực gia đình để duy trì và phát triển mô hình”.

Từ khi thành lập cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, anh Hải nhận thêm nhiều người khuyết tật và lo nơi ăn, ở cho những người ở xa. Hiện nay, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của anh Hải có hơn 10 người khuyết tật, chủ yếu ở tỉnh Hậu Giang. Các em được học nghề miễn phí và có chỗ ăn, ở. Khi thạo nghề, các em nhận gia công sản phẩm hàng tháng, với mức lương hỗ trợ từ 600.000-1.000.000 đồng/tháng (tùy theo năng lực làm việc). Sau giờ làm việc, nhân công cùng ăn bữa cơm đạm bạc với vợ chồng anh Hải, trong không khí đầm ấm, thân tình. Nhân công ở đây còn rất trẻ, cùng chung số phận kém may mắn nhưng luôn nỗ lực vươn lên. Chăm chú với từng nét của bức tranh, Lê Phước Diệu kể về số phận nghiệt ngã cũng như ý chí vươn lên của mình cũng như nhiều thành viên nữ ở đây. Sau một lần bị sốt cao, Diệu bị teo cơ chân. Năm 2004, mẹ qua đời, Diệu sống với cha bệnh tật liên miên cùng với đứa em nhỏ trong cảnh nhà thắt ngặt, nhiều lúc không có gạo ăn. Cách đây 2 năm, Diệu được vào cơ sở này sinh sống, học nghề và trở thành người có tay nghề giỏi. Diệu tâm sự: “Chúng em xem nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Thầy luôn quan tâm, tận tình chỉ bảo, còn cô chăm lo cho chúng em từ miếng ăn, giấc ngủ”. Em Thạch Thị Hồng Diễm (ở quận Ninh Kiều) vào cơ sở sớm nhất. Mẹ mất sớm, cha bỏ đi khi biết Diễm bị chứng động kinh. Cảm thương hoàn cảnh, vợ chồng anh Hải đưa Diễm vào cơ sở. Lúc đầu, Diễm sống khá khép kín, lặng lẽ, nhưng dần dần đã mạnh dạn, tự tin hơn và hòa nhập tốt với mọi người.

Bà Đặng Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Cái Răng cho biết: “Anh Hải rất nhiệt tình, luôn ủng hộ công tác xã hội từ thiện cho địa phương. Những năm qua, cơ sở dạy nghề của anh Hải đã giúp cho nhiều người khuyết tật được học nghề, có việc làm và thu nhập, giúp người khuyết tật tự tin vào bản thân, hòa nhập cộng đồng, nghĩa cử ấy thật đáng trân trọng”.

Bài, ảnh: MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết