12/10/2018 - 21:54

ECO-RED: Thêm cánh cửa hội nhập 

Sau khóa học ở các nước châu Âu, 8 sinh viên của Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ không chỉ được thụ hưởng những kiến thức bổ ích từ chương trình giáo dục tiên tiến; mà còn mở thêm cánh cửa hội nhập cho bản thân các sinh viên, cũng như cho công tác đào tạo của Đại học Cần Thơ.


Chuyến đi thực tế của nhóm sinh viên Trường Đại học Cần Thơ ở các nước châu Âu. Ảnh: HỮU HIỀN

8 sinh viên Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ được tham gia khóa học chuyên sâu về năng lượng tái tạo ở châu Âu, thuộc Dự án ECO-RED, gồm: Lê Hữu Hiền, Lý Hồng Phúc (sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng dân dụng và công nghiệp); Lê Hoàng Phát (Kỹ thuật điện tử viễn thông), Đào Minh An (Kỹ thuật cơ điện tử), Đỗ Thị Kiều Hoanh (Quản lý Công nghiệp), Bùi Thị Ngọc Hân, Đoàn Thụy Thanh Trúc (Công nghệ kỹ thuật hóa học) và Đoàn Văn Tiến (Kỹ thuật điện -  điện tử). Nhóm sinh viên tham gia khóa học ở 3 nước Ý, Ba Lan và Cộng hòa Síp từ ngày 23-6 đến 30-7-2018. Mỗi nước, nhóm ở lại một hai tuần để học chuyên môn chuyên sâu về năng lượng tái tạo ở châu Âu; áp dụng quy trình Bologna vào đảm bảo chất lượng đào tạo đại học. Ngoài ra, nhóm còn được tham quan thực tế, học văn hóa, giao tiếp với nước sở tại. Sau khi hoàn thành khóa học, tín chỉ sinh viên đã học được công nhận ở các trường thành viên trong dự án cũng như mở ra cơ hội học tập ở các nước tiên tiến. 

Dù đã kết thúc khóa học nhưng từng thành viên vẫn khắc sâu những kiến thức, kỹ năng đã được tiếp thu. Đoàn Văn Tiến cho biết: “Từ chuyến đi, tôi học tập rất nhiều từ kiến thức, văn hóa, con người và lối sống văn minh của nước bạn”. Tiến cho biết, thông qua thầy cô, từ thông tin trên internet nên Tiến biết đến dự án ECO-RED. Ban đầu, Tiến chỉ nghĩ tham gia dự  án để bản thân có cơ hội thử sức học và năng lực ngoại ngữ; song chuyến học tập ngắn hạn đã mang đến cho Tiến nhiều kiến thức và trải nghiệm vượt hơn mong đợi. Minh An cho biết thêm: Chúng tôi được tiếp cận môi trường giáo dục tiên tiến, cách học đòi hỏi sự tự lập rất cao của người học và phải có niềm đam mê nghiên cứu trong học tập. “Giao tiếp với sinh viên các nước trong chuyến học tập này, bản thân tôi tự nhận thức càng phải nỗ lực nhiều hơn trong học tập, rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm. Dù đã chuẩn bị kỹ trước chuyến đi, chúng tôi phải mất nhiều thời gian để thể tiếp thu tốt kiến thức chuyên ngành”, Hữu Hiền bộc bạch. Còn với Kiều Hoanh, trong 4 năm học đại học, bạn đã trải nghiệm 3 lần sang nước ngoài, song chuyến đi đến Cộng hòa Síp để lại ấn tượng khó quên. Kiều Hoanh tâm tình: “Chuyến đi đã giúp tôi hiểu hơn tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm và nước bạn, từ đó trưởng thành hơn”.

Quan trọng nhất, các sinh viên đều cho rằng bên cạnh học hỏi được kiến thức, kỹ năng, vốn ngoại ngữ, văn hóa xứ người; mỗi bạn đều xác định được con đường tương lai của bản thân. An, Hiền, Hoanh, Tiến đều có dự định học sau đại học ở  các nước: Hàn Quốc, Đài Loan, Canada… Hữu Hiền tâm tình: Tùy theo chuyên môn, năng lực, mỗi bạn có hướng đi riêng nhưng chúng tôi đều thống nhất dù tiếp tục học hay đi làm, thì vẫn luôn nỗ lực học tập, rèn luyện, sống có trách nhiệm với bản thân, dám nghĩ, dám làm. Bởi lẽ, nếu có ước mơ và cố gắng thực hiện thì vẫn có 1% cơ hội thực hiện điều đó, còn không dám làm thì không bao giờ có cơ hội.

Để có thể tuyển được 8 sinh viên tham gia khóa học trên, các thầy cô Khoa Công nghệ đã xây dựng phương thức tuyển chọn từ hàng trăm sinh viên. Các bạn trải qua nhiều vòng tuyển chọn về chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng “mềm” và được tham gia khóa tập huấn trước khi xuất ngoại. Theo Tiến sĩ Đặng Huỳnh Giao, giảng viên Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ, cán bộ trường chỉ theo đoàn sinh viên tại nước đầu tiên. Khi ổn định nơi ăn ở, học tập, bản thân sinh viên phải tự tổ chức lịch sinh hoạt, học tập. Tiến sĩ Huỳnh Giao nói thêm: Không riêng sinh viên, giảng viên tham gia dự án cũng được học hỏi rất nhiều về phương pháp giảng dạy tiên tiến, phối hợp xây dựng đề cương chương trình học ở 6 trường đại học Việt Nam và châu Âu.  Nhất là cách xây dựng dự án hợp tác quốc tế chuyên nghiệp, hiệu quả. Tất nhiên, việc thực hiện phải linh động, phù hợp với môi trường giáo dục ở Việt Nam. Cụ thể, tại Trường Đại học Cần Thơ, PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn, Trưởng khoa Công nghệ, cho biết: Sắp tới, khoa sẽ tích hợp 5 khóa học về năng lượng tái tạo vào chương trình giảng dạy nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững về đào tạo; mở các khóa đào tạo ngắn hạn về năng lượng tái tạo; tăng cường hợp tác với công ty, doanh nghiệp nhằm chuyển giao kỹ thuật về các giải pháp năng lượng tái tạo cho vùng ĐBSCL.

Dự án ECO-RED (European quality course system for Renewable Energy Development - Xây dựng hệ thống học phần chuẩn châu Âu về năng lượng tái tạo), là một Dự án nằm trong khuôn khổ chương trình “Erasmus+: Tăng cường năng lực quốc tế của các trường đại học” do Ủy ban châu Âu tài trợ thông qua tổ chức Văn hóa Giáo dục EACEA. Trong các đối tác tham gia dự án, Việt Nam có 3 trường: Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; phía châu Âu có 3 trường: Trường Đại học Sapienza của Rome, Ý; Trường Đại học Cyprus, Cộng hòa Síp; Trường Đại học Jagiellonian, Ba Lan. Sau 3 năm (2016- 2018), dự án có 8 sinh viên tham gia khóa học chuyên sâu về năng lượng tái tạo ở châu Âu; tổ chức 5 khóa học tại Trường Đại học Cần Thơ cho 90 sinh viên về năng lượng tái tạo.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết