09/07/2018 - 07:45

Đầu tư và “chết yểu” 

Thời điểm này, nhiều đoàn cải lương trong Nam ngoài Bắc đang gấp rút tìm kịch bản, diễn viên, đạo diễn để chuẩn bị tham gia Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Đây được xem là sân chơi lớn của giới cải lương nên các đoàn đầu tư mạnh, mong làm nên những vở kinh điển, hoành tráng. Đề tài của vở nào cũng hứa hẹn đủ tầm vóc để chinh phục giám khảo với mong muốn có được huy chương, giải thưởng. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là sau những giải thưởng ấy, vở diễn có thực sự đến được với công chúng hay là xếp kho, “chết yểu”.

Vở diễn “Bông mận trắng” của Đoàn Cải lương Tây Đô đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015. Ảnh: DUY KHÔI
Vở diễn “Bông mận trắng” của Đoàn Cải lương Tây Đô đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015. Ảnh: DUY KHÔI

Hồi tháng 4-2018, tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, không ít nhà hát, đoàn nghệ thuật đầu tư vở diễn rất hoành tráng. Thế nhưng dường như khán giả vẫn “đói” kịch. Phải chăng giới làm nghề đang lãng phí chất xám, nguồn lực và tiền bạc? Trở lại với Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, mỗi vở diễn dự thi được đầu tư không dưới tỉ đồng. Các đoàn, bên cạnh thuê viết kịch bản, cảnh trí còn thuê luôn đạo diễn, diễn viên. Đề tài lựa chọn luôn ở tầm “vĩ mô” hoặc “kinh điển” nên khó hấp dẫn người xem.

Không quá lời khi nói, các cuộc thi kiểu này đang tạo áp lực cho các đơn vị nghệ thuật, vì nếu đi thi mà không có giải thưởng thì rất “khó ăn nói”. Vì thế, các đơn vị nghệ thuật phải tập trung đầu tư để vở diễn có giải, dẫn đến không ít chuyện tiêu cực, chạy giải thưởng cho vở diễn, cho diễn viên. Thế nên, vở diễn chỉ cần đoạt giải thưởng, còn sau cuộc thi, vở diễn có được biểu diễn phục vụ khán giả hay không, có thu hồi vốn, tái đầu tư được hay không không quan trọng, xếp kho cũng chẳng sao.

Cần Thơ có Đoàn Cải lương Tây Đô, mỗi kỳ Liên hoan cũng cẩn thận chuẩn bị vở diễn thật chỉnh chu để đi thi. Những vở diễn gần đây như “Bông mận trắng”, “Món nợ vùng ven”… là điển hình. Tuy nhiên, dường như ít có khán giả Cần Thơ nào biết đến những vở diễn này do tần suất phục vụ không nhiều. Theo những người trong cuộc, khó khăn nữa là kinh phí để dựng vở đi thi thì có, nhưng kinh phí để biểu diễn phục vụ đôi khi rất hạn chế.

Đi thi để có giải là một chuyện bình thường, là mong muốn chính đáng của người làm nghề. Tuy nhiên, làm sao để vở diễn đến được với khán giả, để khán giả “chấm điểm” trong sự hào hứng, yêu mến đó mới là giải thưởng cao quý nhất. Sự đầu tư lớn rồi “chết yểu” đang là thực trạng đáng buồn của sân khấu hiện nay.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết