03/09/2017 - 11:40

Đầu tư phim ảnh: Thị trường giữ vai trò quyết định? 

Công nghiệp phim ảnh vốn là mảnh đất đem đến nhiều lợi nhuận, nên thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, phòng vé những năm gần đây không bùng nổ như trước và đang đối mặt với biến động thị trường, thị hiếu khán giả, dẫn đến rạn nứt giữa các hãng phim với nhà đầu tư. Trước sức ép thị trường, các nhà làm phim phải lựa chọn và đánh đổi.

Kinh doanh phim ảnh: Biến động và đầy rủi ro

Nguồn kinh phí dành cho phim ảnh thường phải dựa vào tiền của bên thứ ba, chứ không đơn thuần chỉ từ hãng phim và nhà sản xuất. Với các dự án lớn, điều đó càng cần thiết. Nhưng những biến động về thị trường phòng vé những năm gần đây, đã khiến mối quan hệ khắn khít giữa các hãng phim và nhà đầu tư đứng trước nguy cơ gãy đỗ.

“Fantastic Beasts and Where to Find Them”- tác phẩm hiếm hoi gần đây của Warner Bros. có doanh thu trên 814 triệu USD.

Manh nha từ Quỹ đầu tư đóng ở Texas- LStar Capital- không chuyển khoản đầu tư 25% (ước tính lên đến 12,5 triệu USD) vào phim “The Emoji Movie” của Sony (có kinh phí sản xuất 50 triệu USD). Nguyên nhân là những năm gần đây, Sony có quá nhiều “bom xịt” (“Aloha”, “The Brothers Grimsby”, “Ghostbusters”…), khiến LStar Capital thiếu niềm tin và quan hệ giữa hai bên đang rất căng thẳng. Theo ký kết giữa LStar Capital và Sony thì hai bên hợp tác từ 2012 đến 2019, nhưng LStar Capital đã sớm kết thúc thỏa thuận.

Trên thực tế, thua lỗ phòng vé không chỉ có Sony mà còn có Village Roadshow, Warner Bros., Paramount... Rất nhiều nhà đầu tư như Steven Mnuchin, James Packer, Len Blavatnik… đều bán cổ phần hoặc rời bỏ hãng phim để đổ vốn cho lĩnh vực khác. Len Blavatnik là nhà đầu tư đầy hứng thú với phim ảnh nhưng những thất bại từ The Weinstein Co. đã khiến ông trở nên dè dặt.

Luật sư John Burke cho biết: “Kinh doanh phim ảnh đang trở nên biến động và khó đoán trước. Việc các hãng phim tìm được người bỏ vốn sản xuất ngày càng khó khăn, trong khi các nhà đầu tư cũng khó lòng đặt niềm tin khi mà phòng vé đang ảm đạm. Để tiếp tục hợp tác, các hãng phim cần phải điều chỉnh lợi ích của hãng sát với lợi ích của nhà đầu tư”. Trước đó, LStar Capital và Sony cũng từng bàn luận về điều chỉnh các thỏa thuận này, nhưng không đạt, dẫn đến LStar Capital phải chịu lỗ trong hơn 30 phim mà họ góp vốn. Hãng Village Roadshow cũng điêu đứng khi hãng phim đối tác Warner Bros. liên tục mang về những bom xịt:  “King Arthur: The Legend of the Sword”, “The House”… “Không dễ dự đoán và đánh giá hiệu quả dự án phim trước thị trường luôn biến động như hiện nay”- một chuyên gia tài chính nhìn nhận. Mặc dù vậy, Village Roadshow vẫn kiên trì sự hợp tác Warner Bros., cụ thể các dự án: “Ready Player One” của đạo diễn huyền thoại Steven Spielberg; hay “Ocean’s Eight” toàn sao “Oscar” Sandra Bullock, Cate Blanchett, Anne Hathaway; hoặc “The 15:17 to Paris” của đạo diễn lão làng Clint Eastwood, vẫn đang sản xuất, được dự đoán có thể làm nên chuyện.

Nhà phân tích Eric Handler cho rằng: “Thỏa thuận cùng bỏ vốn làm phim là cách hay để phân tán rủi ro”. Nên dẫu nhiều biến động, đầu tư cho điện ảnh vẫn là thu hút nhà đầu tư. Paramount ngoài Huahua Media vẫn có Skydance Media, còn 20th Century Fox thì có TSG Entertainment, còn Universal vẫn có đối tác vững chắc Legendary.

Sức hút vẫn còn

Trong khi các hãng phim liên doanh để duy trì thương hiệu, giữ vững thị phần; thì có không ít “ông lớn” tấn công mảng giải trí để tạo thị phần riêng. Thông tin Apple đầu tư vào mảng điện ảnh và truyền hình đã chính thức được công bố vào giữa tháng 8 vừa qua. 1 tỉ USD là số tiền mà Apple bỏ ra để thâm nhập vào lĩnh vực đầu tư mới này, dự kiến cho hơn 10 chương trình truyền hình và vài bom tấn ở màn ảnh rộng.

Giai đoạn đầu, Apple chưa có chiến lược cụ thể, chỉ sản xuất chương trình đơn lẻ. Nhưng động thái Apple đang hướng tới là mở rộng phim chiếu rạp trực tuyến; điều mà hai hãng Netflix, Amazon đang làm rất tốt, để thay đổi thị trường khán giả trên toàn cầu. Không chỉ có Apple, Comcast cũng đàm phán với các hãng phim điện ảnh tại Hollywood, nắm quyền phát sóng những phim mới chỉ sau  hai tuần phim chiếu rạp. Trong khi đó Walt Disney cũng có kế hoạch ra mắt dịch vụ phát trực tuyến của riêng mình vào năm 2019. Với sự nở rộ của dịch vụ phát trực tuyến, lĩnh vực điện ảnh sẽ có những thay đổi về thị trường trong những năm tới, doanh thu được nâng cao và đa dạng hơn, tính cạnh tranh giữa hãng phim cũng khốc liệt hơn.

Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh truyền thống vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư mới. Cụ thể, Recon Holdings (Trung Quốc) đã mua lại 51% cổ phần của hãng phim tư nhân độc lập Millenium Films (Mỹ). Millenium là hãng điện ảnh chuyên sản xuất phim hành động: “Rambo”, “The Expendables”, “London Has Fallen”. Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đẩy mạnh việc hợp tác với các hãng phim ở Hollywood trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Năm ngoái, các công ty đến từ quốc gia châu Á này đã đạt được nhiều thương vụ lớn với hàng loạt công ty giải trí của Mỹ, trong đó có Paramount Pictures, Sony Pictures, Amblin Partners and Dick Cook Studios.

Phòng vé đang có những dấu hiệu khởi sắc với nhiều thay đổi về đề tài, dựng phim, nên phim ảnh vẫn là kênh đầu tư có lợi, nếu biết thay đổi.

BẢO LAM
(Tổng hợp từ Latimes, Wall Street Journal, Hollywoodreporter)

Chia sẻ bài viết