31/07/2010 - 20:32

GIÁO SƯ - TIẾN SĨ TRẦN VĂN KHÊ:

Có hiểu mới thương, có thương mới thích đờn ca tài tử

GS.TS Trần Văn Khê nói chuyện về âm nhạc dân tộc tại cà phê sách Phương Nam. Ảnh: T. VI 

Tối 28-7-2010, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê đã có buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc tại cà phê sách Phương Nam (số 6 Hòa Bình) nhân dịp Phương Nam ra mắt phim tài liệu “Trần Văn Khê - Người truyền lửa” và tái bản tập hồi ký của ông. Dịp này, phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với ông về đờn ca tài tử và sức sống của loại hình này trong đời sống âm nhạc hiện đại.

* Là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, xin GS.TS khái quát nét đẹp đờn ca tài tử Nam bộ.

- Đờn ca tài tử cũng như âm nhạc dân tộc Việt Nam, đều chuyển tình qua từng “chữ nhấn”. Người nghệ nhân đờn ca tài tử không đánh chính xác một cách lý tính từng nốt nhạc, mà dùng cách nhấn nhá, luyến láy để diễn tả tâm trạng, cảm xúc. Thí dụ như cách nhấn đàn tranh chúng ta phong phú hơn cách nhấn của đàn Zheng Trung quốc (một loại đàn có kết cấu gần giống đàn tranh - PV), vì chúng ta có nhấn nửa bực, một bực, một bực rưỡi, có nhấn rung, nhấn mổ, nhấn nhảy, nhấn vuốt để diễn tả tâm trạng hỉ - nộ - ái - ố. Chữ nhấn trong đờn ca tài tử Nam bộ khác với các loại hình âm nhạc dân tộc khác vì “cách chuyển” từ cung bậc này sang cung bậc khác dứt khoát, mượt mà, bay bướm, tế nhị.

Cái hay nhất là đờn ca tài tử để cho người nghệ nhân thỏa sức sáng tạo, thể hiện khí khái của mình khi chơi đàn, nhưng vẫn tuân theo những quy tắc âm nhạc truyền thống được truyền dạy từ nhiều đời. Vì cái tình và bản sắc đó, đờn ca tài tử mới có được những tiếng khen cũng rất Nam bộ như “Trời ơi, ông nhấn cái là đứt ruột tôi rồi”, hay “Ông đờn sao mà mùi, mà ngọt dữ vậy”.

* Thưa GS.TS, ngày nay dường như đờn ca tài tử đang dần “di cư” ra thành thị như là một loại hình dịch vụ văn hóa - đây là điều đáng mừng hay đáng lo?

- Đờn ca tài tử từ bao đời nay vẫn là một dòng chảy âm nhạc gần gũi với đông đảo người dân. Chính sự “di cư” của đờn ca tài tử từ nông thôn ra thành thị đã tạo thêm những nét đặc sắc, biến hóa khác của loại hình nghệ thuật này. Thí dụ như thay vì sử dụng đờn cò, đờn tranh... người nghệ nhân đã đơn giản hóa bằng cây guitar phím lõm. Bởi đàn guitar của phương Tây không thể thể hiện trọn vẹn những cung bậc sâu, rung và luyến láy của đờn ca tài tử, nên những nghệ nhân đã khoét thêm một chút trên phím cây đàn guitar, “buộc” nhạc cụ Tây phương này phải “nói” tiếng “nói” của âm nhạc dân tộc Việt Nam một cách nhuần nhị, tinh tế.

Tuy nhiên, tính chất của đờn ca tài tử ở nông thôn và thành thị có khác nhau, ví như ở nông thôn thì chân chất, bay bướm, thong thả, có khi kéo dài từ chập tối đến tận khuya; còn ở thành thị thì phải chắt lọc, cô đọng vì không phải ai cũng có thời gian để đờn ca thâu đêm. Tuy nhiên, tất cả đều là âm nhạc dân tộc Việt Nam, dù ở nông thôn hay thành thị, dù là đờn ca ngẫu hứng hay là dịch vụ văn hóa, thì cũng đã góp phần kết nối âm nhạc truyền thống với đời sống hiện tại. Vấn đề quan trọng là đừng làm cho đờn ca tài tử bị biến chất.

* Dù đờn ca tài tử đẹp là vậy, nhưng dường như ngày càng ít thanh thiếu niên biết đến loại hình âm nhạc truyền thống này. Thưa GS.TS, phải chăng đó là điều tất yếu?

- Bản chất của truyền thống âm nhạc Việt Nam rất vững chắc, giá trị nghệ thuật rất cao. Nhưng tại sao gần đây lại bị chìm vào quên lãng?

Nguyên nhân sâu xa là trong lịch sử, hơn 100 năm trước, nước ta mất chủ quyền. Chánh sách thuộc địa của những người thống trị đã phổ biến và đề cao văn hóa của họ, đẩy văn hóa của chúng ta vào bóng tối. Tình trạng bị trị dẫn đến tâm lý tự ti trong người dân nước ta, thấy cái gì mình cũng thua kém, văn hóa mình không bằng văn hóa người thống trị. Nên việc theo học đàn Tây là cao sang, hãnh diện; còn đàn bầu, đàn cò bị “vứt ra” đầu đường xó chợ cùng những người hành khất.

Nguyên nhân tiếp theo là nếp sống trong xã hội thay đổi. Người phụ nữ không phải như ngày xưa chỉ là nội trợ, mà đi làm việc. Con ít bú sữa mẹ, và tiếng hát ru cũng đã tắt trên môi của bà, mẹ, chị, để nhường chỗ cho những chương trình của đài phát thanh giới thiệu nhạc trẻ, hay nhạc nước ngoài. Trẻ em không còn hát những bài đồng dao mà hát những bài do người lớn đặt ra. Thanh niên thiếu nữ gặp nhau, không còn thích đối đáp bằng những câu ca tình tứ, những bài hát huê tình, mà thích ôm nhau và khiêu vũ theo những điệu tango, boléro. Trên sông nước không còn những tiếng cất lên trong đêm vắng gọi “Bớ chiếc thuyền loan khoan khoan gác mái. Tôi có một đôi lời phải trái phân nhau”. Các rạp hát thưa lần và tụ điểm mọc lên như nấm. Trên các đài phát thanh hay truyền hình, vắng tiếng đờn ca dân tộc tân nhạc và “nhạc ngoại” chiếm những giờ có thể đông người nghe.

Tất cả những nguyên nhân lịch sử, xã hội, kinh tế đó đã khiến âm nhạc dân tộc mất dần sinh lực.

* Thưa GS.TS, chúng ta cần làm gì để giữ cho đờn ca tài tử nói riêng và âm nhạc truyền thống nói chung sống mãi?

- Phải có những hành động trị “căn” chớ không thể trị “chứng”. Từ trong gia đình ra tới xã hội, từ dân chúng đến cán bộ, rồi Chính phủ, mỗi người, mỗi cơ quan đều phải có ý thức chung tay giữ gìn âm nhạc truyền thống.

Những người mẹ trẻ hãy làm sống lại tiếng hát ru để cho trẻ sơ sanh có được bài giáo dục âm nhạc đầu tiên trong cuộc đời. Nhà trường nên đem âm nhạc truyền thống vào học đường, nên có chương trình dạy giáo dục âm nhạc trong đó âm nhạc truyền thống dân tộc là nòng cốt. Các em nhỏ nên hát những bài đồng dao hay những bài hát sáng tác theo loại đồng dao phù hợp với tâm lý các em hơn những bài do người lớn sáng tác theo phong cách phương Tây. Khuyến khích những sinh hoạt đối ca nam nữ, những buổi hòa đàn dân tộc bằng cách mở những cuộc thi có cho giải thưởng cho những người đàn hay hát giỏi. Tổ chức những buổi giao lưu giữa những đội hát, nhóm đàn.

Các đài phát thanh và truyền hình nên có những buổi giới thiệu, có chuyên gia giải thích, những bộ môn âm nhạc truyền thống dân gian hay bác học vào những giờ có nhiều người nghe hay xem, bày những trò chơi đố giải, có liên quan đến âm nhạc dân tộc. Nên mời những nghệ sĩ có tên tuổi đến dự những buổi liên hoan về hát ru, hò, lý, đối ca nam nữ. Báo chí nên có những trang đặc biệt về âm nhạc dân tộc. Các nhà xuất bản nên phát hành những bưu ảnh có hình nhạc khí do các nhạc sĩ trẻ biểu diễn, những sách tập vẽ hay tô màu hình nhạc khí truyền thống, những sách kể chuyện truyền thuyết liên quan đến âm nhạc...

Nói chung là rất cần có những hoạt động, chính sách để nhiều người do hiếu kỳ mà đến với âm nhạc truyền thống mà tìm hiểu. Có hiểu mới thương, có thương mới thích, mới sẵn sàng dành thời gian học hỏi, luyện tập, biểu diễn, thưởng thức, rồi đi tới bảo tồn, phổ biến, phát huy âm nhạc dân tộc.

* Xin chân thành cảm ơn GS.TS!

XUÂN VIÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết