05/04/2018 - 15:50

Chủ động phòng chống cháy rừng trên vùng Tứ giác Long Xuyên 

Nằm trên vùng Tứ giác Long Xuyên, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang có diện tích đất lâm nghiệp hơn 10.830 ha, trong đó diện tích rừng 9.165 ha, chủ yếu là rừng tràm. Chủ động phòng chống cháy rừng mùa khô 2108, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu những vụ cháy có thể xảy ra, bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường sinh thái.

Tuần tra phòng, chống cháy rừng ở Lâm trường 422 (Hòn Đất - Kiên Giang).

Với phương châm phòng là chính, Ban Chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ huyện Hòn Đất đã phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng trên địa bàn như Lâm trường 422, Lâm trường Hòn Đất, Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang,... Ông Bùi Thanh Liêm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòn Đất cho biết: “Hạt Kiểm lâm tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra việc triển khai phương án của các chủ rừng nhằm chấn chỉnh kịp thời những sai lệch, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”. Đề nghị chủ rừng khởi động, vận hành máy bơm thường xuyên, tăng cường lực lượng tuần tra, canh gác để hạn chế người ra vào lâm phần trái phép trong mùa khô bất cẩn gây cháy rừng.”

Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm Hòn Đất phối hợp với các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương có rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư nhằm nâng lên ý thức trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là phòng chống cháy rừng mùa khô. Vận động nhân dân dân tham gia quản lý bảo vệ rừng, ký cam kết phòng chống cháy rừng, không khai thác, chặt phá rừng, săn bắt động vật rừng và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Cấp phát tờ rơi tuyên truyền và yêu cầu những hộ dân làm rẫy, làm ruộng khi đốt đồng phải báo với chính quyền địa phương, đơn vị lâm nghiệp, kiểm lâm để chủ động đốt có kiểm soát nhằm tránh cháy lan vào rừng, nhất là vào giai đoạn cao điểm mùa khô.

Theo Hạt Kiểm lâm Hòn Đất, đến thời điểm này phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng, đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn huyện Hòn Đất đang được triển khai thực hiện, đảm bảo “4 tại chỗ”, nhất là xây dựng lực lượng, lập chòi canh lửa, đầu tư trang thiết bị, phương tiện chữa cháy đã hoàn thành. Huyện Hòn Đất, kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; xây dựng tổ, đội bảo vệ, phòng chống cháy rừng ở các xã có rừng như Nam Thái Sơn, Bình Sơn, Bình Giang, Thổ Sơn và đơn vị lâm nghiệp, chủ rừng với khoảng 350 người. Ông Bùi Thanh Liêm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòn Đất cho biết: “Ngoài việc xây dựng lực lượng sẵn sàng làm nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô trên các lâm phần, từ nguồn kinh phí được phân bổ, huyện đầu tư mua sắm máy chữa cháy chuyên dùng, máy phao, dây chữa cháy các loại, vỏ máy composit cơ động, chốt bảo vệ, chòi canh lửa, bảng tuyên truyền và dự báo cấp cháy rừng,… đảm bảo phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Xác định vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy, bố trí lực lượng trực canh phòng tại chỗ 24/24 như: Ban Quản lý rừng Hòn Đất - Kiên Hà, Lâm trường 422, Sư đoàn BB4, Lâm trường Hòn Đất, Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang, núi Hòn Me và Hòn Đất.”

Ông Quách Kim Tùng, Giám đốc Lâm trường 422 (Hòn Đất - Kiên Giang) cho biết: “Do nắng nóng kéo dài nên hiện nay nguy cơ cháy rừng xảy ra rất cao. Đơn vị phân công cán bộ, bố trí lực lượng phụ trách từng địa bàn trên lâm phần thực hiện công tác phòng chống cháy rừng, tuần tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của người dân sống ven rừng thâm nhập trái phép vào rừng mùa khô, kịp thời ngăn chặn các hành vi có nguy cơ gây cháy rừng cao. Bên cạnh đó, đơn vị rà soát, xác định khu vực rừng có nguy cơ cháy cao lập chốt, bố trí lực lượng, phương tiện trực chiến 24/24 sẵn sàng làm nhiệm vụ dập lửa khi cháy xảy ra.”

Tuy nhiên, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên vùng Tứ giác Long xuyên, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang còn nhiều những khó khăn, bất cập. Cụ thể là hệ thống đê bao những khu vực rừng tràm của các chủ rừng, đơn vị lâm nghiệp chưa được kiên cố, hoàn thiện, một số nơi đất than bùn không giữ được nước nên thường bị khô kiệt vào giai đoạn cao điểm mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rất cao và khi cháy rất chó chữa. Cuộc sống, sinh hoạt của một bộ phận cư dân ven rừng, liền kề với rừng chưa tuân thủ những quy định về bảo vệ rừng, nhất là phòng chống cháy, vào rừng săn bắt động vật, ăn ong, đốt đồng làm rẫy,… bất cẩn gây cháy rừng. Tiếp đến, hệ sinh thái rừng đồi núi ở xã Thổ Sơn vào mùa khô nguồn nước dưới quanh chân núi cạn kiệt, kênh rạch cách xa chân núi và thảm thực vật khô cháy trên mặt đất rất dễ bắt lửa. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở địa phương chủ yếu là nhân dân, thiếu kỹ năng, nghiệp vụ về chữa cháy. Một số tổ chức, hộ gia đình nhận khoán đất lâm nghiệp nhưng không có phương án bảo vệ rừng, không đầu tư phòng chống cháy nên vào các tháng cao điểm của mùa khô người dân xâm nhập vào săn bắt động vật, lấy mật ong,… dễ gây ra cháy rừng.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang

Chia sẻ bài viết