02/08/2017 - 21:57

Cần Thơ họp “khẩn” phòng, chống sốt xuất huyết 

(CT) - Chiều 2-8-2017, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Lê Văn Tâm chủ trì cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, phòng chống sốt xuất huyết (SXH).

Đồng chí Lê Văn Tâm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch SXH.

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, toàn thành phố có 724 ca SXH, không có ca tử vong, so cùng kỳ  tăng 283 ca. Số ổ dịch SXH tăng 61 ổ dịch so với cùng kỳ 2016 (134/73 ổ dịch). Qua giám sát huyết thanh, phát hiện thêm type Den 4. Số ca mắc tập trung ở nhóm dưới 15 tuổi, chiếm gần 85%. Tỷ lệ mắc SXH độ C (độ nặng) giảm so với cùng kỳ năm 2016 (35/62 ca). Từ đầu năm 2017 đến nay, thành phố đã triển khai 3 chiến dịch phòng, chống bệnh SXH; Sở Y tế cùng Trung tâm Y tế dự phòng thành phố tổ chức nhiều đợt kiểm tra thực địa công tác phòng, chống SXH ở các điểm nóng tại các quận, huyện để chỉ đạo và hỗ trợ cho địa phương dập dịch; cấp phát 251 lít Permethrine 50 EC cho các quận, huyện trong xử lý ca bệnh, ổ dịch; tổ chức tập huấn giám sát, điều trị, truyền thông và tư vấn SXH...

Dự báo dịch SXH, bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ cho rằng, bệnh SXH có khả năng bùng phát thành dịch lớn bởi thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường (mưa xuất hiện từ tháng 12-2016 đến nay). Năm 2016 là năm thứ 2 đỉnh dịch SXH rơi vào tháng 11 và số ca bệnh ở mức cao trong những tháng tiếp theo. Bệnh SXH tăng số ca mắc trong cả nước và các tỉnh lân cận với TP Cần Thơ. Người dân chưa chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi thường xuyên. Qua kiểm tra chỉ số lăng quăng, muỗi vẫn còn cao… Trước tình hình trên, Sở Y tế TP Cần Thơ triển khai Chiến dịch truyền thông vận động cộng đồng diệt lăng quăng kết hợp phun hóa chất diệt muỗi tại các địa bàn trọng điểm phòng, chống dịch SXH và Zika với các hoạt động truyền thông, vãng gia, diệt muỗi, diệt lăng quăng, phun thuốc… Chiến dịch diễn ra trong các tháng: 8, 10,11.

Tại cuộc họp, ông Lê Văn Tâm hoan nghênh Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ vì đã tích cực điều trị bệnh SXH. Đồng thời đề nghị đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống SXH bằng nhiều hình thức ngắn, gọn, dễ hiểu. Các cơ quan nhà nước, trường học… treo băng rôn; đưa nội dung phòng, chống SXH vào các cuộc họp chi bộ, đoàn thể. UBND các xã, phường huy động lực lượng ra quân phòng, chống dịch SXH. Sau cuộc họp trực tuyến với UBND thành phố, các quận, huyện tiếp tục họp chỉ đạo các đơn vị cơ sở triển khai chiến dịch phòng, chống SXH.

Tin, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết