09/10/2018 - 20:44

Bi kịch “anh hùng bàn phím” dỏm 

Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, Đoàn Khánh Vinh Quang (SN 1976, ngụ phường An Phú) trình bày: “Bị cáo hứa sửa sai, phấn đấu trở thành công dân tốt, cam đoan không tái phạm. Bị cáo xin lỗi ba má, vợ con, vì bị cáo mà chịu khổ”. Những giọt nước mắt hối hận của Quang quá muộn màng. Bản án 2 năm 3 tháng tù do TAND quận Ninh Kiều tuyên vào cuối tháng 9-2018 về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” là hình phạt thích đáng cho sự bốc đồng, nông nổi, thiếu hiểu biết, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự (ANTT).

Đăng tải thông tin xuyên tạc Nhà nước, xúc phạm lãnh đạo, Đoàn Khánh Vinh Quang lãnh án 2 năm 3 tháng tù.

Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư chuyên ngành quản lý đất đai, Quang có công việc ổn định. Sau đó, Quang nghỉ việc, làm nghề kinh doanh tự do, kinh tế khấm khá. Gần đây, Quang tham gia mạng xã hội, lập facebook kết giao với nhiều người, thường xuyên bày tỏ quan điểm về các vấn đề diễn ra trong nước. Giữa năm 2018, lực lượng an ninh Công an quận Ninh Kiều phát hiện Quang đăng, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Không chỉ thế, trong thời gian Quốc hội đưa ra thảo luận dự thảo Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, qua các thông tin không được kiểm chứng, Quang đã viết bài đăng tải nội dung xúc phạm Đảng, Nhà nước, Quốc hội trên facebook cá nhân để phản đối mặc dù Quang chưa đọc qua Dự thảo Luật. Quang còn kích động, kêu gọi người khác tham gia biểu tình bằng hình thức nhấn kèn inh ỏi khi chạy xe… Khi công an mời làm việc, Quang tự nguyện giao nộp điện thoại có nội dung, tài liệu là những bài viết đã phát tán trên mạng. Khám xét nhà, công an thu giữ nhiều tang vật liên quan. 

Phiên tòa diễn ra vào cuối tháng 9, đông người dân theo dõi. HĐXX dành nhiều thời gian phân tích cho bị cáo thấy tác hại của việc sử dụng mạng xã hội đăng tải nội dung xuyên tạc, không đúng sự thật. Được sinh ra và lớn lên trong thời bình, lẽ ra, Quang phải biết ơn những người đã hy sinh máu xương cho hòa bình, độc lập dân tộc, phải biết cống hiến công sức xây dựng quê hương. Đằng này, bị cáo lại bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo, cơ quan chức năng, còn lôi kéo người khác làm chuyện sai trái. Trong phần thẩm vấn, Quang cúi gằm mặt, biện bạch: “Tại bị cáo thiếu suy nghĩ, không biết kiềm chế, viết ẩu. Bị cáo nghĩ facebook cá nhân muốn đăng gì thì đăng, đâu ngờ gây hậu quả như vậy”. Trả giá cho hành động dại dột, ngoài bản án 2 năm 3 tháng tù, còn là sự đánh mất lòng tin của Quang với mọi người, nhất là tổn thương đối với hai con thơ dại… Về phía gia đình bị cáo cũng có phần lỗi trong việc này khi không kiên quyết ngăn cản ngay từ đầu. Biết Quang làm sai, người thân khuyên không được đã bỏ mặc nên Quang càng bị lún sâu vào con đường sai trái.

Trong tháng 9, TAND các cấp trên địa bàn thành phố đưa ra xét xử 4 vụ án tội danh như trên với mức án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa. Điểm chung các bị cáo là thường truy cập internet để xem các hình ảnh, bài viết, video clip nội dung nói xấu, bôi nhọ cá nhân lãnh đạo, cơ quan Đảng, Nhà nước, sau đó soạn thảo, đăng tải lên trang cá nhân, facebook của mình, làm cho người xem có cái nhìn không đúng về  chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,  hình ảnh phát triển của đất nước, gây dư luận xấu… Khi đối diện với sự trừng phạt của pháp luật, các bị cáo mới thấm thía hậu quả của việc thiếu hiểu biết mà ham làm “anh hùng bàn phím”.

Qua các vụ việc trên cho thấy, sử dụng mạng xã hội đúng qui định và có văn hóa là điều người dân cần lưu ý khi thể hiện quan điểm cá nhân. Đừng vì sự bốc đồng, chủ quan nghe lời xúi giục của kẻ xấu mà đăng tải hoặc bình luận những nội dung sai trái, hiểm họa khó lường. Để giữ gìn ANTT, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về sử dụng mạng xã hội để định hướng người dân chọn lọc thông tin, tránh bị thông tin “ảo” cũng như kẻ xấu chi phối, tác động, gây chuyện không hay.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết