19/11/2017 - 16:13

“Tiếng sáo lạc” của lối sống sai lầm 

Từng tạo dấu ấn mạnh với bạn đọc khi viết về những phận nghèo và trẻ em bất hạnh qua 2 tác phẩm “Chạy trốn” và “Đồi cát bay”, tác giả Phạm Thị Bích Thủy tiếp tục khai thác mạch đề tài này trong tiểu thuyết “Tiếng sáo lạc” (NXB Hội Nhà văn). Câu chuyện về những người nông dân ra Hà Nội mưu sinh một lần nữa làm người đọc ấn tượng và suy ngẫm.

Ước vọng đổi đời là động lực cho nhiều người vượt khó vươn lên, phấn đấu học tập và làm việc. Tuy nhiên, con đường và cách thức để đạt được mục đích sẽ không dễ dàng. Trong xã hội, có không ít người đi sai đường, làm sai cách với những mưu toan thực dụng để cuối cùng chuốc lấy cái kết đắng. Phạm Thị Bích Thủy đã làm bật vấn đề này trong “Tiếng sáo lạc”.

​Nhân vật điển hình cho lối sống này là 2 người phụ nữ: Toan và Dung. Nếu Toan là một cô gái xinh đẹp, có học thức, khôn khéo thì Dung là người quê mùa, hiền lành, chân chất. Toan chủ động tính toán, không từ thủ đoạn để đạt được mục đích; thì Dung bị lôi kéo, dụ dỗ và dần bị đồng tiền làm mờ mắt. Nhưng cả hai đều có chung một tham vọng là đổi đời mà không phải lao động vất vả. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bi kịch cuộc đời của họ.

​Toan dùng nhan sắc và sự khéo léo của mình để quyến rũ những người đàn ông giàu có, thậm chí bắt cá hai tay để rồi “mất cả chì lẫn chài”. Thua keo này, Toan bày keo khác, cuối cùng cô cũng mồi chài được một người đàn ông lớn tuổi, góa vợ, giàu có. Không dừng lại ở đó, Toan tính đến chuyện có con để giành tài sản với con riêng của chồng. Nhưng hậu quả của những lần nạo phá thai trước đó khiến cô không thể làm mẹ được nữa. Toan dụ dỗ, thuê Dung mang thai, đẻ con cho mình. Dù đạt được ước nguyện, nhưng thói trăng hoa và cách sống thực dụng của Toan đã gây ra cuộc chiến giữa cô và các con riêng của chồng, cuối cùng là thảm kịch với Dung và đứa con.

Dung, một người vợ trẻ chân ướt chân ráo từ quê nghèo theo chồng ra Hà Nội mưu sinh. Sự chân thật của cô dần biến mất khi kết thân với Toan, tận hưởng lối sống sung sướng mà cô chưa từng nếm trải. Sau khi đẻ thuê cho Toan, Dung không muốn quay lại cuộc sống nghèo khổ trước đây nên bỏ rơi chồng con, tìm cách đổi đời bên người đàn ông mới, ở một xứ sở mới. Nhưng chỉ thời gian ngắn, cô phải quay về Hà Nội với bàn tay trắng. Tìm đến Toan để tống tiền, Dung không ngờ rằng, chính cô là người gây ra bi kịch đau lòng cho những đứa con của mình…

Ngòi bút của tác giả còn đồng cảm, sẻ chia với những phận người bất hạnh. Đó là Thành và Hạnh, chồng và con của Dung. Họ là những  người sống trong sạch bằng sức lao động của chính mình, nhưng tạo hóa trớ trêu đẩy họ rơi vào những tai nạn thương tâm.

Toan, Dung, Thành, Hạnh hay những con người lưu lạc từ quê ra phố vất vả mưu sinh cũng tựa như tiếng sáo lạc lõng cất lên trong đêm mà cha con Thành và Hạnh hay thổi mỗi khi nhớ nhà hay buồn phiền. Tiếng sáo đó “Giữa đêm mùa đông nó như một lưỡi dao âm thanh, nó mỏng, nó sắc, nó cắt ngang tim người nghe, nó đơn độc, nó mong manh, nó lặng ngắt giữa thành phố sáu triệu người ồn ã” (trang 22). Và nó cũng khiến độc giả ngậm ngùi, đồng cảm.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết