15/11/2017 - 14:26

“Mưa buồn!” 

Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017 vừa kết thúc với kết quả thật “mỹ mãn”: 73 thí sinh nhưng có đến 36 huy chương Vàng, Bạc được trao. Xác suất đoạt huy chương là 50:50, đó là chưa nói được trao Bằng khen (tương đương huy chương Đồng, hoặc giải Ba). Cơn mưa huy chương đổ xuống các nghệ sĩ trẻ. Thế nhưng, nhiều người thắt lòng mà ví von, đó là “mưa buồn”, buồn rười rượi cho viễn cảnh cải lương.

 Nghệ sĩ Hồng Giang (Nhà hát Tây Đô) với vai Trần Thị Dung trong trích đoạn “Dấu ấn giao thời” đoạt huy chương Bạc. Ảnh: DUY KHÔI

Dĩ nhiên, đã thi thì phải trao giải, song có theo dõi quá trình dự thi của thí sinh mới thấy rõ sự “hào phóng” trong trao giải. Bên cạnh khoảng 5- 7 tiết mục diễn tốt, còn lại đều mắc nhiều “sạn”. Có thí sinh diễn được nhưng ca hụt hơi, rớt nhịp và ngược lại; có thí sinh vì cố khẳng định tài diễn xuất mà gồng cứng kỹ thuật, không thể lay động người xem. Có nhiều vai diễn khóc lóc thảm thiết mà khán giả còn chưa hiểu vì sao họ khóc. Nhiều động tác vũ đạo, dùng đạo cụ vụng về, khiêng cưỡng. “Dở khóc dở cười” làm sao với lời nhận xét của NSND Giang Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng giám khảo: “Có diễn viên mang cả đồng hồ, dây chuyền trên cổ vào vai nhân vật lịch sử, cổ trang; váy công chúa, hoàng hậu ngắn để lòi đôi giày cao gót hiện đại; sắm vai công tướng, quan hầu đi hài mà người đi hia, người đi giày ba-ta”. Chuyên nghiệp đó sao, tài năng đó sao?

Vậy nhưng, oái oăm là huy chương thì vẫn cứ đổ như mưa rào. Những tấm huy chương đó liệu có bảo chứng cho tài năng của các nghệ sĩ, có là động lực để những nghệ sĩ khác phấn đấu. Trên facebook cá nhân, NSƯT H.Q. đau đáu nói rằng: “Bản thân tôi lại thấy buồn lắm!”. Anh kể, thời của anh dự thi, tuy là thời sân khấu còn huy hoàng nhưng kết quả cuộc thi chỉ có 1 giải Nhất (tương đương huy chương Vàng) hoặc cao lắm là 2 giải Nhất, 4 giải Nhì và 6 giải Ba. Vậy nên, ai được trao giải Ba là đã hãnh diện vô cùng.

Trở lại cuộc thi này, đành rằng động viên, khuyến khích nghệ sĩ trẻ là điều cần thiết; nhưng không có nghĩa dễ dãi, “phát đều”, “cả nhà cùng vui”.  “Và cuối cùng tài năng trẻ là gì? Là sự nổi trội của một diễn viên trẻ mang đầy tố chất của người nghệ sĩ chuyên nghiệp về mặt ca, diễn, sáng tạo nhân vật, có thể nối tiếp thế hệ lớn để trở thành một nhân tố đặc biệt của cái nghề ca diễn, hay chỉ đơn giản làm tròn làm xong một vai để dự thi”- NSƯT H.Q. trăn trở.

Một điều buồn lòng nữa là tại cuộc thi này, các trích đoạn mà thí sinh dự thi đều “bổn cũ soạn lại”, trùng lắp. Vẫn mãi là: “Đêm hội Long Trì”, “Dấu ấn giao thời”, “Hồi xuân dược”… Bấy lâu nay, chuyện thiếu đội ngũ sáng tác kịch bản đã đành nhưng đâu đến nỗi cải lương và dân ca kịch nghèo nàn đến vậy. Có hay chăng chuyện một vài nghệ sĩ bậc thầy đi dựng kiểu… “cố vấn” nhiều nơi nên “nhân bản”, rồi chuyện các nghệ sĩ trẻ vì muốn an toàn nên cứ “khuôn cũ đúc tới”.

“Mưa” huy chương đã rơi nhưng rồi sẽ là “mùa mưa qua mau”. 

ĐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết