29/01/2008 - 09:10

Xung đột sắc tộc leo thang ở Kenya 

 Người dân Kenya sơ tán khỏi Naivasha. Ảnh: AP

Gần 900 người chết và 260.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa sau một tháng bạo lực bùng phát tại Kenya, từ khi Tổng thống Mwai Kibaki tuyên bố thắng lợi trong cuộc bầu cử hôm 27-12-2007. Bất chấp việc Tổng thống Kibaki và lãnh đạo phe đối lập Raila Odinga chấp nhận gặp nhau hôm 24-1 qua sự trung gian của cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, bạo lực vẫn tiếp diễn và có xu hướng ngày càng gia tăng.

Cuộc xung đột hiện nay chủ yếu là giữa bộ tộc Kikuyu của Tổng thống Kibaki với bộ tộc Luo và Kelenjin ủng hộ ông Odinga. Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, người Kikuyu là nạn nhân chủ yếu với hàng trăm người chết và nhiều người di tản. Tuy nhiên, hiện họ đang đáp trả quyết liệt khiến tình hình hết sức tồi tệ. Đêm 27-1, ít nhất 19 người Luo bị thiêu cháy tại nhà riêng ở thị trấn Naivasha, cách Thủ đô Nairobi 65 km về phía Bắc. Không chỉ riêng người Luo mà các bộ tộc khác cũng là nạn nhân. Các nhân chứng cho biết nhiều nhóm thanh niên trang bị dao, dùi cui và cung tên ngang nhiên đập phá nhà cửa, xe cộ, cửa hiệu... của bất cứ người nào không thuộc bộ tộc Kikuyu. Trong khi đó, tại tỉnh Rift Valley, nơi bạo lực bùng phát ngay sau cuộc bầu cử, các nhóm cực đoan người Kalenjin tiếp tục đốt phá nhà cửa của người Kikuyu. Chỉ tính riêng tại tỉnh này, số người thiệt mạng trong 3 ngày cuối tuần lên tới 116 người.

Sau khi thảo luận với Tổng thống Kibaki, ông Annan có cuộc tiếp xúc với ông Odinga hôm 27-1 và đề xuất chương trình đàm phán hòa bình. Theo đó, chính phủ và phe đối lập mỗi bên sẽ cử ba đại diện tham gia đàm phán hòa giải dân tộc, có thể khởi động ngay trong tuần này. Tuy nhiên, bất đồng giữa Tổng thống Kibaki và ông Odinga xem ra khó có thể giải quyết. Ông Odinga một mực cho rằng Tổng thống Kibaki gian lận trong bầu cử nên phải từ chức và tiến hành bỏ phiếu lại. Trong khi đó, chính quyền ông Kibaki luôn khẳng định rằng người Kenya phải chấp nhận kết quả thắng lợi của ông Kibaki và không thương lượng về vấn đề này.

Có thể nói tình hình hiện nay là sự bộc phát của những căng thẳng chủ yếu giữa người Kelenjin và Luo với cộng đồng người Kikuyu, vốn được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi từ chính quyền của Tổng thống Kibaki. Nhiều người cho rằng cái vòng luẩn quẩn tấn công - trả đũa giữa các bộ tộc không biết bao giờ mới chấm dứt và đang vượt ngoài khả năng kiểm soát của các lực lượng an ninh Kenya. Cuộc xung đột kéo dài hơn một tháng qua cũng làm quốc gia Đông Phi này thất thu khoảng 1 tỉ USD từ ngành du lịch.

N.MINH (Theo Guardian, AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết