06/12/2023 - 19:59

Xu hướng mua vàng tăng mạnh ở giới trẻ Trung Quốc 

Ở Trung Quốc, những người mua vàng như công cụ tích trữ đang ngày càng trẻ hơn khi họ có ít lựa chọn tiết kiệm giữa thời điểm thị trường bất động sản suy thoái, chứng khoán và tiền tệ suy yếu trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp.

Giới trẻ Trung Quốc đổ xô mua vàng khi các hình thức đầu tư khác quá rủi ro. Ảnh: Thinkchina

Theo dữ liệu mới nhất, đồ trang sức bằng vàng và bạc là một trong những mặt hàng tiêu dùng bán chạy nhất ở Trung Quốc năm nay, tăng 12% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ đứng sau hàng may mặc. Vốn Trung Quốc, cùng với Ấn Độ, là nước tiêu thụ trang sức vàng hàng đầu thế giới. Cả 2 quốc gia chiếm hơn một nửa tổng nhu cầu kim loại quý này trên toàn cầu. Giám đốc điều hành Tập đoàn Trang sức Chow Tai Fook, Kent Wong, cho biết khách mua vàng truyền thống ở Trung Quốc thường là người lớn tuổi. Và ông rất bất ngờ khi khảo sát công bố vào cuối tháng 10 cho thấy 70% người tiêu dùng trong độ tuổi từ 18 đến 40 có ý định mua trang sức bằng vàng.

Trên mạng xã hội Trung Quốc cũng có rất nhiều cuộc thảo luận về việc tích lũy vàng, bao gồm việc mua đồ trang sức nhỏ hay những miếng vàng chừng 1 gram. Với giá tiền dao động từ 63 đến 77 USD cho các sản phẩm như vậy, ngay cả những người thu nhập thấp cũng có thể mua để dành. Trong năm nay, sinh viên Bắc Kinh Nadia Qi (21 tuổi) cho biết đã chi hơn 2.000 USD để mua vàng miếng và đồ trang sức. Trong khi lãi suất tiền gửi quá thấp còn đầu tư vào chứng khoán lại đầy rủi ro, Qi dự định mua ít nhất 20 gram vàng mỗi năm và coi đây là công cụ đầu tư duy nhất khiến bản thân thấy an toàn lúc này.

Tại Trung Quốc, vàng được giao dịch ở mức cao hơn giá giao ngay toàn cầu. Điều này cũng không cản trở ý định mua vàng tích trữ của nhiều người. “Không còn nhiều sự lựa chọn, vàng giống như một loại tiền tệ mạnh và điều này đặc biệt đúng khi bất ổn địa chính trị ngày càng tăng ở thời điểm hiện tại” - một nhân viên văn phòng ở tỉnh Hồ Nam chia sẻ.

Xu hướng trên mặt khác phản ánh sự không chắc chắn về triển vọng tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vốn chưa thể phục hồi nhanh sau lệnh phong tỏa vì đại dịch COVID-19. Theo dự đoán của giới phân tích, nhu cầu của Trung Quốc đối với kim loại trú ẩn an toàn sẽ vẫn ở mức cao khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc trong những năm tới và dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy ra gây áp lực lên đồng nhân dân tệ, trong khi thị trường việc làm chưa khởi sắc còn bất động sản tiếp tục chìm dưới đáy.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết