Ngày 18-1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo những “cạm bẫy” của việc quá vội vàng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dù công nghệ này cũng mang lại nhiều lợi ích trong quá trình chẩn đoán bệnh và phát triển thuốc.

AI ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế.
WHO đã đánh giá những lợi ích và rủi ro tiềm tàng của các ứng dụng AI đa thể thức (LMM), dùng để chỉ các mô hình AI tạo sinh có khả năng tích hợp nhiều nguồn dữ liệu đầu vào như văn bản, hình ảnh và video để giải quyết các vấn đề phức tạp với độ chính xác cao. Tuy còn khá mới mẻ nhưng xu hướng kể trên đang nhanh chóng được áp dụng trong lĩnh vực y tế.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc đổi mới và y tế kỹ thuật số của WHO Alain Labrique đã dẫn nhiều quan điểm chỉ ra rằng công nghệ này có thể bắt chước suy nghĩ, hành vi cũng như cách con người tương tác để giải quyết một vấn đề. Theo WHO, giới quan sát dự báo LMM sẽ được ứng dụng rộng rãi trên 5 lĩnh vực bao gồm chẩn đoán, chẳng hạn như phản hồi lại các yêu cầu bằng văn bản của bệnh nhân; nghiên cứu khoa học; phát triển thuốc; giáo dục y tế và đào tạo điều dưỡng; các công việc văn phòng; tùy từng nhu cầu của bệnh nhân.
Tuy nhiên, WHO cũng không loại trừ rủi ro LMM có thể tạo ra các kết quả sai lệch, không chính xác, không khách quan và không đầy đủ. LMM cũng hoạt động kém hiệu quả nếu nguồn dữ liệu đầu vào kém chất lượng, không khách quan trong các vấn đề về chủng tộc, sắc tộc, dòng họ, giới tính, bản dạng giới hoặc tuổi tác. Cơ quan này nhấn mạnh các định dạng LMM tiềm ẩn những rủi ro mà hệ thống y tế, người dùng cuối cũng như toàn xã hội có thể chưa sẵn sàng để giải quyết triệt để, trong đó có lo ngại về khả năng LLM tuân thủ các luật hiện hành, điển hình là quy định bảo vệ dữ liệu và gia tăng vị thế thống trị của các tập đoàn lớn.
Vì vậy, WHO đã ban hành các khuyến nghị về đạo đức và quản trị LMM nhằm hỗ trợ các chính phủ, công ty công nghệ và bên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ứng dụng mô hình này một cách an toàn. Theo đó, quá trình phát triển LMM cần có sự tham gia của các bệnh nhân và chuyên gia y tế, cùng các kỹ sư và nhà khoa học. Chuyên gia thuộc bộ phận nghiên cứu của WHO Rohit Malpani cho biết chính phủ các nước cũng cần đảm bảo quyền riêng tư khi cung cấp thông tin dữ liệu nhạy cảm của bệnh nhân, cũng như cho bệnh nhân quyền từ chối cung cấp thông tin. Ngoài ra, chính phủ có thể cân nhắc chỉ định một cơ quan quản lý phê duyệt sử dụng LMM trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và thường xuyên tiến hành các buổi kiểm tra, đánh giá tác động. WHO nhấn mạnh cần ban hành các quy định về trách nhiệm pháp lý nhằm đảm bảo quyền lợi người dùng chịu ảnh hưởng của LMM.
Trưởng nhóm các nhà khoa học của WHO Jeremy Farrar cho biết các công nghệ AI tạo sinh chỉ có thể phát huy hết tiềm năng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nếu được phát triển, quản lý và sử dụng đúng cách. Theo ông Labrique, khuyến nghị của WHO mở đường hướng tới tương lai nơi AI đóng góp cho hạnh phúc của nhân loại, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức ở cấp độ cao nhất.
MAI NGUYỄN (TTXVN)