20/09/2019 - 18:53

Vùng Vịnh đầy bất trắc 

Tình hình Trung Đông tiếp tục diễn biến khó lường khi các bên một mặt thận trọng theo dõi động thái của đối phương, mặt khác cùng phát đi thông điệp răn đe lẫn nhau.

Ngoại trưởng Mỹ (trái) hội đàm với Thái tử Saudi Arabia hôm 18-9. Ảnh: Reuters

Căng thẳng quanh vụ 2 cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia bị tấn công từ cuối tuần rồi đến nay vẫn chưa hạ nhiệt. Mỹ liên tục cáo buộc Iran đứng sau hành động “tuyên chiến” trong khi Tehran kiên quyết phủ nhận. Hôm 18-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington đang xem xét hàng loạt phương án đáp trả.

Tại cuộc họp của Nhà Trắng hôm 19-9, Nhật báo Phố Wall dẫn nguồn tin chính phủ xác định Lầu Năm Góc đã trình tổng thống các giải pháp quân sự, bao gồm danh sách mục tiêu không kích tiềm năng bên trong lãnh thổ Iran.

Trước đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định Tehran không muốn đối đầu quân sự nhưng bất kỳ hành động nào của Mỹ và Saudi Arabia nhắm vào nước này sẽ châm ngòi “cuộc chiến toàn diện”. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đang có mặt tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hy vọng Iran chọn con đường hòa bình, nhưng không thể bỏ qua nghi ngờ khi các nước khu vực “có sự đồng thuận lớn” về vai trò của Tehran trong vụ tấn công nhà máy lọc dầu hôm 14-9. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng cáo buộc nhắm vào Iran là vô căn cứ và kêu gọi các nước trong khu vực ngồi lại đàm phán để xoa dịu căng thẳng.

“Phép thử” với Mỹ

Theo một quan chức Mỹ, cuộc họp của Nhà Trắng là cơ hội đầu tiên để đưa ra những quyết định về cách phản ứng của chính quyền Trump khi đồng minh ở Vùng Vịnh bị tấn công. New York Times thì cho đây là “phép thử” đối với chiếc ô an ninh của Mỹ giữa thời điểm cam kết của Washington với Trung Đông đang bị hoài nghi. Khi được hỏi về kế hoạch tăng cường hiện diện trong khu vực, đảm bảo năng lực phòng vệ, người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Patrick Ryder cho biết Lầu Năm Góc vẫn đang đánh giá nhưng chưa có tiết lộ nào về thay đổi trong chính sách hay điều chỉnh lực lượng.

Hồi tháng 6, Mỹ đã đưa thêm 1.000 quân đến Trung Đông khi căng thẳng với Iran gia tăng. Theo Nhật báo Phố Wall, Lầu Năm Góc đang xem xét triển khai thêm tài sản quân sự tới khu vực để tăng cường khả năng răn đe. Danh mục khí tài có thể gồm hệ thống đánh chặn tên lửa, phi đội máy bay chiến đấu cùng nhiều thiết bị do thám. Washington cũng cam kết duy trì sự hiện diện của tàu sân bay và chiến hạm. Theo Phó Tổng thống Mike Pence, hành động tiếp theo của chính quyền sẽ được quyết định dựa trên tình hình thực tế nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ và đồng minh.

Theo các quan chức trong và ngoài Chính phủ Mỹ, hành động có thể bao gồm phản ứng quân sự, chính trị và kinh tế. Ngoại trưởng Pompeo hôm 20-9 cho biết Washington đang thảo luận xây dựng liên minh ngăn chặn các mối đe dọa từ Iran. Trong khi đó, nhiều người dự đoán chính quyền Trump sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Saudi Arabia khi phần lớn hoạt động quốc phòng của Riyadh tập trung đối phó lực lượng Houthi ở Yemen. Hôm 20-9, liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu tiếp tục phát động chiến dịch không kích ở thành phố cảng Hodeidah của Yemen, phá hủy 4 địa điểm lắp ráp tàu thuyền điều khiển từ xa và thủy lôi.

Trước đó, Riyadh đã tham gia Sáng kiến An ninh Hàng hải Quốc tế do Mỹ dẫn đầu nhằm bảo vệ các tuyến đường thủy ở Trung Đông. Liên minh này lập từ tháng 7 sau cuộc tấn công mà Washington tố do Iran thực hiện nhằm vào 2  tàu chở dầu trên Vịnh Oman. Ngoài Saudi Arabia, UAE, Úc, Bahrain và Anh cũng tham gia.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Vùng Vịnh