22/09/2014 - 08:00

Vừa mừng, vừa lo!

Cuối cùng thì cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn hai tháng qua ở Afghanistan cũng có hồi kết có hậu với việc hai ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai đã ký kết thỏa thuận chia sẻ quyền lực với nhau vào hôm qua 21-9.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Ashraf Ghani, người vẫn chiến thắng theo kết quả kiểm phiếu lại, sẽ trở thành tổng thống trong chính phủ đoàn kết dân tộc. Còn cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah, người về nhất ở vòng một nhưng bị "hụt hơi" ở vòng hai, sẽ đảm nhận vị trí mới tương đương với thủ tướng (Afghanistan hiện không có ghế thủ tướng) gọi là "lãnh đạo hành pháp", có quyền ngang bằng với ông Ghani trong việc bổ nhiệm các thành viên nội các. Tổng thống sẽ chủ trì nội các, trong khi "lãnh đạo hành pháp" sẽ đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng.

Trước đó, ông Abdullah không công nhận kết quả bầu cử sơ bộ hồi tháng 7 với chiến thắng thuộc về ông Ghani (56%) vì cho rằng có gian lận qui mô lớn. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry buộc phải vào cuộc làm trung gian hòa giải do lo ngại khủng hoảng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch rút hết binh sĩ quốc tế khỏi Afghanistan vào cuối năm nay, cũng như khả năng bùng phát xung đột sắc tộc vốn từng đẩy Afghanistan vào nội chiến hồi những năm 1990. Ông Abdullah được sự ủng hộ của người Tajik và Hazara ở miền Bắc trong khi hậu thuẫn ông Ghani là người Pashtun, cộng đồng lớn nhất ở Afghanistan và sống tập trung tại miền Nam. Phe ủng hộ ông Abdullah từng dọa sẽ thành lập một chính phủ song song nếu không tiến hành kiểm lại toàn bộ phiếu bầu dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.

Việc hai ông Ghani và Abdullah bắt tay nhau xem như ngòi nổ tạm thời đã được tháo, nhưng ai dám chắc sắp tới đây trong chính phủ đoàn kết dân tộc họ sẽ không "đồng sàng dị mộng". Còn nhớ sau cuộc bầu cử ở Zimbabwe hồi năm 2008, do tranh chấp kết quả nên Tổng thống Robert Mugabe buộc phải lập ra chức danh thủ tướng và đưa đối thủ Morgan Tsvangirai vào vị trí đó. Thế nhưng tình trạng "cơm không lành, canh không ngọt" đã liên tục xảy ra và sau khi ông Tsvangirai hết nhiệm kỳ hồi năm ngoái thì ông Mugabe cũng bỏ luôn chức danh thủ tướng để "rảnh tay" điều hành đất nước.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết