Với tư cách là khách mời danh dự, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua đã chứng kiến và phát biểu trước lễ diễu binh tại Thủ đô Belgrade kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thành phố nhờ sự góp sức của Hồng Quân Liên Xô và quân đội Nam Tư cũ. Đây là lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua, Belgrade tổ chức lễ tưởng nhớ sự kiện trọng đại đánh đổ phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai.
Vì thế, sự hiện diện của ông Putin nhắc nhở dư luận rằng nước Nga thời đại mới vẫn có tầm ảnh hưởng nhất định tại vùng Balkan. Serbia và các nước trong khu vực đang phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga, đồng thời đang sẵn sàng khởi công đường ống trung chuyển khí đốt từ Nga qua Tây Âu khi mà đường vận hành qua Ukraina liên tục bị tắc nghẽn.
Đối với chính quyền Belgrade, việc thể hiện động thái không lãng quên công lao mang lại hòa bình của Hồng Quân Liên Xô và sự ủng hộ của Nga trong xử lý vấn đề đòi độc lập của tỉnh Kosovo cũng là cách tạo thế cân bằng trong mối quan đầy áp lực giữa Serbia và Liên minh châu Âu (EU). Serbia đang thực hiện các chính sách thân phương Tây nhằm đáp ứng tiêu chuẩn gia nhập EU. Tuy nhiên, con đường này còn rất xa, trong khi Serbia đang bị sức ép phải từ bỏ vùng lãnh thổ Kosovo và tham gia các biện pháp của phương Tây nhằm trừng phạt Nga vì vấn đề Ukraina.
Ukraina là một vấn đề trọng tâm của ông chủ Điện Kremlin bên lề cuộc họp thượng đỉnh Á-Âu diễn ra tại thành phố Milan của Ý trong hai ngày 16 và 17-10. Ngoài bữa điểm tâm chung thảo luận chuyện Ukraina với các nhà lãnh đạo EU, Đức, Pháp, Anh, Ý và Ukraina, Tổng thống Nga cũng có cuộc gặp riêng với lãnh đạo Đức, Pháp và Ukraina. Cuộc tái ngộ lần này được coi là cơ hội quý giá nhất làm giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraina, đồng thời được kỳ vọng thúc giục EU xóa bỏ cấm vận chống Nga. Ông Putin mới đây đã chủ động ra lệnh rút toàn bộ 17.000 binh sĩ Nga khỏi các khu vực gần biên giới Ukraina nhằm tạo chất xúc tác cải thiện các mối quan hệ này.
Tuy nhiên, trước chuyến công du tới Belgrade và Milan, nhà lãnh đạo Nga đã có bài viết trên nhật báo Politika của Serbia, trong đó ông Putin tố cáo Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có các hành động “thù địch” và “can thiệp việc nội bộ” của Nga thông qua cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Ông cho rằng chính Mỹ đã gây ra cuộc biểu tình bạo loạn lật đổ dẫn đến cuộc nội chiến ở Ukraina rồi vu khống cho Nga, rằng các biện pháp cấm vận kinh tế chống lại Nga do Mỹ phát động là một “thủ đoạn tống tiền”. “Tôi hy vọng các đối tác của Nga sẽ nhận thức rõ ràng rằng cấm vận không phải là giải pháp giải quyết vấn đề và nên nhớ sự bất đồng giữa các cường quốc hạt nhân lớn có thể gây hậu quả đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu”- ông Putin cảnh báo.
KIẾN HÒA (Theo AFP, AP, Reuters)