Nhiều đại học ở Úc cho biết họ đã và đang đóng cửa các Viện Khổng Từ hoạt động bên trong khuôn viên trường. Có ý kiến cho rằng tác động của đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính, trong khi số khác đề cập mối lo ngại của Chính phủ Úc về sự can thiệp của nước ngoài.

Hiện có khoảng 498 Viện Khổng Tử và 773 Lớp học Khổng Tử ở 160 quốc gia và khu vực.
Viện Khổng Tử được đặt tại một số cơ sở giáo dục của Úc thông qua quan hệ đối tác với các trường đại học Trung Quốc, thường giảng dạy những khóa học về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Vài năm gần đây, nhiều trường đại học Úc bắt đầu đàm phán lại hợp đồng và kiểm soát chặt chẽ nội dung giảng dạy trong bối cảnh chính quyền liên bang lo ngại Bắc Kinh dựa vào những trung tâm giáo dục này để giám sát sinh viên quốc tế người Trung Quốc và truyền bá thông tin có lợi cho mình.
Năm 2019, trang tin ABC từng tiết lộ quy định tại các học viện Khổng Tử, rằng ứng viên muốn xin vào vị trí giảng dạy tình nguyện phải chứng minh lòng trung thành về mặt chính trị với Chính phủ Trung Quốc. Cũng trong năm này, cuộc điều tra của ủy ban Thượng viện Mỹ đã công bố báo cáo về hoạt động của Viện Khổng Tử tại các trường đại học xứ cờ hoa. Thay vì là những trung tâm học tập độc lập, báo cáo cho biết các trung tâm trên lại là “cánh tay kiểm soát” chặt chẽ của Bắc Kinh.
Năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu Trung tâm Viện Khổng Tử tại Mỹ đăng ký với tư cách là “phái đoàn ngoại giao” theo Đạo luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài. Tại Úc, chính phủ cũng yêu cầu các trường đại học cung cấp thêm thông tin về các học viện gây tranh cãi của Trung Quốc và một số trường hợp phải đăng ký thuộc diện Chương trình minh bạch ảnh hưởng của nước ngoài. Mặc dù chính phủ không đưa ra yêu cầu đóng cửa các trung tâm hiện có, nhưng vài năm trở lại đây, một số trường đại học thuộc Nhóm 8 trường đại học có chất lượng giáo dục hàng đầu của Úc đã cắt đứt quan hệ với các Viện Khổng Tử.
❝ Bất chấp các cáo buộc rằng Bắc Kinh thông qua Viện Khổng Tử để khuếch trương ảnh hưởng, Tiến sĩ Gill nói rằng học viện có rất ít ảnh hưởng đến nhận thức về Trung Quốc khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy không có sự cải thiện nào trong quan điểm có lợi về nước này ở Úc và thế giới phương Tây nói chung. Từ năm 2020, Chính phủ Trung Quốc cũng đã chuyển giao quyền quản lý các học viện từ Bộ Giáo dục sang một tổ chức phi chính phủ nhằm xoa dịu dư luận. Sự thay đổi này khiến một số nhân viên tại Viện Khổng Tử khó xin được thị thực, đặc biệt khi các trung tâm phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn ở nước ở tại. |
Cụ thể, từ tháng 8 năm ngoái, Đại học Melbourne cho biết thỏa thuận giữa trường với Đại học Nam Kinh về việc điều hành Viện Khổng Tử đã kết thúc và thỏa thuận này không cần tiếp tục gia hạn. Giống như nhiều cơ sở giáo dục khác của Úc, Đại học Melbourne cũng nhận được khoản tài trợ nghiên cứu lớn từ Mỹ, quốc gia gần đây đã chất vấn các nhà nghiên cứu xem trường đại học của họ có mối liên hệ nào với Trung Quốc hay không.
Cũng trong năm rồi, người phát ngôn của Đại học Queensland cho biết thỏa thuận giữa trường với Đại học Thiên Tân về Viện Khổng Tử đã kết thúc trong khi Đại học Công nghệ Queensland cho biết Viện Khổng Tử của trường vẫn mở nhưng sẽ xem xét lại thỏa thuận vào năm tới. Hai trường Đại học New South Wales và Đại học Tây Úc thì chia sẻ rằng họ đã không gia hạn hợp đồng với Viện Khổng Tử sau những gián đoạn liên tục do lệnh đóng cửa biên giới bởi đại dịch COVID-19.
Đại học Sydney cho biết Viện Khổng Tử của trường vẫn mở cửa nhưng không nhận tài trợ từ Trung Quốc còn Đại học Newcastle đã đăng ký Viện Khổng Tử theo Chương trình minh bạch ảnh hưởng của nước ngoài kể từ năm 2021. Một cơ sở khác là Đại học Adelaide tuy không xác nhận Viện Khổng Tử của trường đã đóng cửa, nhưng khi ABC liên hệ thì một email có nội dung trả lời tự động cho thấy trung tâm có thể đã không hoạt động trong thời gian khá dài. Từ năm 2021, Đại học RMIT đã đóng cửa Viện Khổng Tử do tác động của đại dịch COVID-19.
Chuyên gia nghiên cứu Viện Khổng Tử, Tiến sĩ Jeffrey Gill từ Đại học Flinders không lấy làm lạ trước thông tin các học viện bị đóng cửa. Theo đó, đã có những lo ngại lâu dài về các Viện Khổng Tử ở Úc và vấn đề càng gia tăng khi quan hệ Canberra - Bắc Kinh xấu đi trong những năm gần đây. Tình hình này cùng với thực tế các Viện Khổng Tử ở Mỹ và một số nước châu Âu bị dừng hoạt động đã khiến trung tâm học thuật của Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn và kém khả thi hơn tại Úc.
MAI QUYÊN (Theo ABC News)