21/01/2008 - 09:19

Vị thế của Tổng thống Musharraf lung lay

Có thể nói chưa bao giờ chiếc ghế tổng thống của ông Pervez Musharraf trở nên chông chênh như bây giờ. Sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto ngày 27-12-2007, uy tín của ông sụt giảm mạnh. Và bây giờ, “hậu phương vững chắc” là quân đội cũng đang tìm cách rút khỏi vòng cương tỏa của ông.

 

 Tổng thống Musharraf (trái) từng không tiếc lời ca ngợi Tướng Kayani trong lễ chuyển giao chức Tổng tư lệnh quân đội hồi tháng 11-2007.  

Tân Tổng tư lệnh quân đội Pakistan, tướng Ashfaq Parvez Kayani, hồi tuần rồi đưa ra hai quyết định gây khó chịu cho Tổng thống Musharraf. Một là cấm các sĩ quan cấp cao gặp gỡ trực tiếp tổng thống nếu không có sự phê chuẩn của Tướng Kayani (có tin nói rằng một tướng lĩnh lén lút gặp ông Musharraf đã bị cách chức). Hai là buộc các tướng lĩnh quân đội phải từ bỏ những chức vụ dân sự béo bở mà trước đó tổng thống ưu ái bố trí cho họ. Cũng cần nói thêm là để tranh thủ sự ủng hộ của quân đội, ông Musharraf từng bổ nhiệm hơn 1.000 sĩ quan quân đội (cả đương chức lẫn về hưu) vào các vị trí đầy quyền lực và dễ trục lợi ở các bộ giáo dục, giao thông, đường sắt, văn hóa- thể thao... Chưa hết, ông Kayani còn thuyên chuyển công tác đối với Thiếu tướng Waheed Arshad, nhân vật thân cận với Tổng thống Musharraf, khỏi vị trí người phát ngôn của quân đội. Ngoài ra, Tướng Kayani cũng tỏ ra không mặn mà lắm với cuộc chiến chống khủng bố (vốn đã cướp đi sinh mạng của không ít binh sĩ và thường dân Pakistan), mà điều này có thể ảnh hưởng tới sự ủng hộ của Mỹ dành cho ông Musharraf. Các nhà phân tích cho rằng Tướng Kayani đang tìm cách khôi phục hình ảnh của quân đội, vốn bị chỉ trích là dính líu quá sâu vào chính trị và không còn giữ được tính trung lập của mình dưới thời ông Musharraf.

Sở dĩ nói chiếc ghế của ông Musharraf lung lay vì lịch sử Pakistan giai đoạn gần đây chứng minh rằng người đứng đầu chính phủ dân sự không thể tồn tại nếu không có sự ủng hộ của quân đội. Chính ông Musharraf khi giữ chức Tổng tư lệnh quân đội hồi năm 1999 đã tiến hành đảo chính lật đổ Thủ tướng dân cử Nawar Sharif. Do vị thế của quân đội lớn như vậy nên Tổng thống Musharraf mấy năm nay lần lữa mãi và đến cuối năm ngoái mới chịu buông chức Tổng tư lệnh. Lúc đó ông Musharraf ít nhiều an tâm vì sau khi “chọn mặt gởi vàng”, ông tìm được Tướng Kayani, người được cho là hết sức trung thành, để giao lại quân đội lớn thứ sáu trên thế giới với 700.000 binh sĩ. Nhưng bây giờ ông Musharraf gần như vỡ mộng. Nhìn ở góc độ khác, những động thái gần đây của Tướng Kayani khiến người ta nhen lên hy vọng cuộc tổng tuyển cử tại Pakistan vào ngày 18-2 tới sẽ công bằng hơn.

Trong bối cảnh như vậy, Tổng thống Musharraf buộc phải tìm kiếm sự ủng hộ từ bên ngoài. Hôm qua 20-1, ông bắt đầu chuyến công du 4 nước châu Âu gồm Anh, Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ. Với chuyến đi này, ông Musharraf muốn trấn an phương Tây rằng Pakistan vẫn ổn định (nói cách khác là ông còn kiểm soát được tình hình) và cam kết sẽ chuyển sang một nền dân chủ hoàn toàn. Nhưng “nước xa khó cứu lửa gần”, nên xem ra đây chưa phải là cách hữu hiệu để ông Musharraf cứu vãn tình hình.

LÊ DÂN (Theo Aljazeera, McClatchy)

Chia sẻ bài viết