05/02/2014 - 21:27

Vì đâu Nhật tăng cường tiềm lực quốc phòng?

Binh sĩ Mỹ và Nhật Bản tập trận chung tại bang California hồi tháng 9 năm ngoái. Ảnh: Reuters

Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường tiềm lực quốc phòng trước mối đe dọa từ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên trong bối cảnh quan ngại về viễn cảnh Mỹ không sẵn sàng, thậm chí không thể duy trì cam kết bảo vệ Tokyo đang ngày một lớn dần – hãng tin Reuters trích lời của giới chính trị gia và chuyên gia an ninh Nhật Bản trong các cuộc phỏng vấn cho biết.

Quan hệ Mỹ - Nhật trở nên rạn nứt thời gian gần đây khi Washington bày tỏ "sự thất vọng" đối với chuyến thăm ngôi đền Yasukuni gây tranh cãi của Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 12 năm ngoái. Thái độ của Mỹ khiến một số chính trị gia Nhật Bản tỏ rõ sự không hài lòng. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ đã lên tiếng trấn an Tokyo với khẳng định liên minh Mỹ- Nhật là nền tảng an ninh và thịnh vượng trong khu vực, từ đó đưa ra cam kết tiếp tục tăng cường quan hệ đồng minh giữa hai bên cũng như duy trì nghĩa vụ của Washington trong hiệp ước an ninh.

Tuy vậy, tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế Mỹ – Trung thời gian gần đây cùng với nhận thức về sức mạnh của cường quốc số 1 thế giới đang có phần "lép vế" trước tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh vẫn khiến chính quyền Thủ tướng Abe "nhấp nhỏm" rằng liệu Washington có kiên định và đủ khả năng bảo vệ đồng minh hay không. Đấy cũng là lý do quan trọng để giới ngoại giao hy vọng chuyến thăm Nhật Bản dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ làm giảm bớt nỗi lo và là cơ hội hiếm có để ông chủ Nhà Trắng thể hiện rõ quan điểm và vai trò của nước Mỹ hiện nay. Bởi trên thực tế, Washington mặc dù thừa nhận sự kiểm soát của Tokyo và tuyên bố có trách nhiệm thực hiện hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh trên biển Hoa Đông, nhưng đến nay vẫn không đưa ra bất cứ quan điểm cụ thể nào về vấn đề chủ quyền.

Chính điều này, đặc biệt với chính sách tái cân bằng lực lượng tại châu Á - Thái Bình Dương trong khi ngân sách quốc phòng bị cắt giảm cùng thế kẹt tại Trung Đông của Mỹ, Reuters cho rằng Thủ tướng Abe càng có thêm động lực thúc đẩy chiến lược tăng cường lực lượng Không quân và Hải quân bên cạnh kế hoạch sửa đổi hiến pháp vốn hạn chế vai trò quân đội Nhật trong phạm vi tự vệ. "Quan hệ đồng minh với Mỹ là mối liên minh quan trọng nhất và điều này sẽ không thay đổi" – cố vấn an ninh quốc gia cho Thủ tướng Abe, ông Yosuke Isozaki khẳng định trong một tuyên bố. Song, "nước Nhật cũng cần phải "trưởng thành" như một quốc gia bình thường" – ông Isozaki đồng thời nhấn mạnh.

Được biết, nước này đã bắt đầu xem xét thay đổi học thuyết quốc phòng, trong đó cho phép Tokyo thực hiện tấn công phủ đầu các căn cứ của đối thủ tiềm năng. Không chỉ tăng cường sức mạnh từ bên trong, một số cố vấn quân sự trong nước cho rằng Nhật Bản không nên chỉ thiên về phía Washington như trước nay mà nên cùng chia sẻ lợi ích chiến lược và tìm kiếm những mối quan hệ an ninh gần gũi hơn với khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, Úc và thậm chí cả Nga như một lá chắn chống đỡ trong tình huống xấu nhất, bao gồm khả năng nước Mỹ rút lui.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, RT)

Báo chí Triều Tiên chỉ trích Thủ tướng Nhật

Trong một bài viết đăng tải hôm 5-2, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đã gọi Thủ tướng Shinzo Abe là phiên bản "Hitler của châu Á".

"Không có sự khác biệt giữa Hitler và kẻ liều lĩnh Abe khi ông ta đang cố tình đánh lạc hướng chú ý của cộng đồng quốc tế về vấn đề hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên nhằm che lấp tham vọng quân phiệt mới của Nhật Bản" – KCNA cáo buộc. Đặc biệt, tờ này còn lên tiếng kêu gọi ông Abe nên sớm "tỉnh giấc" từ "cơn mê muội". Được biết trước đó, tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên cũng từng trích dẫn lời một quan chức nước này nói rằng quyết định đi thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Abe là muốn thẳng thừng tuyên bố Nhật Bản sẽ lặp lại lịch sử, tái xâm chiếm châu Á.

 

Chia sẻ bài viết