04/08/2017 - 22:25

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Văn nghệ sĩ Việt Nam vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng 

Chiều 4-8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành Trung ương. Đây là lần đầu tiên trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp gỡ, tìm hiểu đời sống, hoạt động sáng tạo và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ sáng tác, biểu diễn và sưu tầm văn học nghệ thuật nước nhà.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ảnh: AN ĐĂNG (TTXVN)

Theo báo cáo của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, mặc dù còn không ít trở ngại, khó khăn nhưng tình hình sáng tác văn học, nghệ thuật của cả nước vẫn có sự phát triển tích cực. Số lượng các tác phẩm văn học, nghệ thuật nhiều gấp bội, xuất hiện một số tác phẩm có chiều sâu về tư tưởng và nghệ thuật.

Tại buổi làm việc, thay mặt cho các tổ chức thành viên, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gửi tới Thủ tướng và Chính phủ 9 kiến nghị với mục tiêu tháo gỡ khó khăn trong sáng tác và đời sống của văn nghệ sĩ cả nước; tiếp tục sự nghiệp  phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước. Trong đó, vấn đề trung tâm và cũng là bức xúc lớn nhất ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh tại buổi làm việc chính là nội dung trong dự thảo Luật về Hội đang được Bộ Nội vụ xây dựng. 

Theo đó, dự thảo thay đổi mô hình hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam từ mô hình tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp thành mô hình tổ chức xã hội nghề nghiệp. Không tán thành với quan điểm này, phía Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam mong muốn việc xây dựng Luật về Hội phải phù hợp và bám sát tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tán thành và nhất trí cao với quan điểm của các văn nghệ sĩ, lãnh đạo Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Với tư cách Thủ tướng Chính phủ, tôi hoàn toàn ủng hộ như tinh thần Nghị quyết 23 đã nêu, đây là tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp phục vụ sự nghiệp Cách mạng của dân tộc đặt dưới lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đánh giá những ý kiến của các văn nghệ sĩ tại buổi làm việc là hết sức tâm huyết, thể hiện trách nhiệm của giới văn nghệ sĩ. “Thấy được các đồng chí một lòng theo Đảng, theo cách mạng, gắn với sự nghiệp cách mạng và chính các đồng chí đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng đề nghị Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam chú trọng hơn nữa việc xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ cả về số lượng và chất lượng; quan tâm đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ, tăng cường kết nối bồi dưỡng nghề nghiệp giữa các thế hệ văn nghệ sĩ; tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động, nâng cao khả năng tập hợp, tạo môi trường thuận lợi để phát huy tài năng.

Thủ tướng cũng cơ bản đồng ý về chủ trương đối với những kiến nghị được nêu ra tại buổi làm việc liên quan đến những vấn đề như kinh phí hỗ trợ hoạt động; hỗ trợ cho các nghệ sĩ tiêu biểu gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ hoạt động cho các cơ quan báo chí của Liên hiệp các hội; vấn đề nhà ở xã hội cho văn nghệ sĩ gặp khó khăn về nơi ở…

QUANG VŨ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết