Bắt cóc đòi tiền chuộc đang bùng nổ trên khắp miền Bắc Nigeria, trong đó học sinh là đối tượng được “chuộng” nhất.
Chuyện thường ngày
Tối 11-3 vừa qua, các tay súng đã xông vào một trường học ở bang Kaduna và bắt giữ hàng chục sinh viên. Chưa đầy 12 tiếng sau đó, những kẻ bắt cóc trong đoạn video đăng tải trên mạng xã hội Facebook đưa ra yêu cầu mà giờ đây đã trở nên quá đỗi quen thuộc. “Họ muốn có 500 triệu Naira (khoảng 1 triệu USD)” - một trong những con tin trong đoạn video lo sợ nói.
Hai ngày sau đó, quân đội Nigeria đã ngăn chặn âm mưu bắt cóc hơn 300 sinh viên tại một trường nội trú. Ðến hôm 14-3, lại có thông tin nhiều trẻ em nằm trong số 11 người bị bắt cóc tại bang Niger.

Lực lượng an ninh Nigeria tuần tra sau khi xảy ra nhiều vụ bắt cóc tống tiền. Ảnh: WSJ
Trên đây chỉ là vài ví dụ trong ngành công nghiệp bắt cóc tàn bạo ở quốc gia đông dân nhất châu Phi. Kể từ tháng 12 năm ngoái, các băng nhóm tội phạm có vũ trang đã bắt cóc và đòi tiền chuộc hơn 800 học sinh, buộc Chính phủ Nigeria phải kêu gọi trợ giúp khẩn cấp từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Giáo hoàng Francis. Do lo ngại xảy ra thêm nhiều vụ bắt cóc, hàng trăm trường học đã buộc phải đóng cửa, khiến gần 15 triệu trẻ em nghỉ học. “Bắt cóc đòi tiền chuộc đã trở nên được bình thường và thể chế hóa đến mức giờ đây nó mang dấu ấn của một ngành kinh doanh hợp pháp, thậm chí còn sinh lợi nhiều hơn” - Bulama Bukarti, chuyên gia phân tích của Daily Trust, nhật báo hàng đầu Nigeria, nhận định.
Auwal Daudawa, một kẻ bắt cóc từng tự nộp mình cho chính phủ để đổi lấy sự khoan hồng, cho biết việc mua súng ở miền Bắc Nigeria dễ như “mua bánh mì”. Tại đây, các băng nhóm tội phạm lợi dụng sự yếu kém của chính quyền địa phương cùng với tình trạng an ninh bất ổn để thực hiện các vụ bắt cóc. Chúng có mối thù sâu đậm với nông dân tại khu vực. Kể từ năm 2015, các cuộc đụng độ giữa các nhóm bắt cóc với dân thường ngày càng trở nên đẫm máu, khiến khoảng 4.000 người thiệt mạng. Mới đây, một băng nhóm tội phạm đã cố gắng ám sát Samuel Ortom, thống đốc bang Benue, khi ông lên tiếng ủng hộ nông dân chống lại những kẻ bắt cóc.
Nỗi lo lớn từ Boko Haram
Còn ở Ðông Bắc Nigeria, nhóm phiến quân Boko Haram bắt đầu các cuộc tấn công vào trường học sau khi chúng tuyên chiến với chính phủ hồi năm 2009. Chúng đến nay đã bắt cóc hàng ngàn học sinh. Trong đó, thu hút sự chú ý của quốc tế là vụ Boko Haram bắt giữ 276 nữ sinh tại bang Borno hồi năm 2014, khơi mào cho chiến dịch #BringBackOurGirls (tạm dịch “Hãy trả lại các cô gái”) toàn cầu. Ðược biết, hơn 100 nữ sinh trong số đó đã được trả tự do vào năm 2016 và 2017, sau khi chính phủ đồng ý trao trả tù binh Boko Haram và chi khoản tiền chuộc lên tới 3,6 triệu USD. Lực lượng này đặt mục tiêu tạo ra một vương quốc Hồi giáo và đứng ra chịu trách nhiệm cho cái chết của 37.000 người kể từ năm 2009, gồm ít nhất 2.295 giáo viên và phá hủy khoảng 1.400 trường học ở Ðông Bắc Nigeria.
Ðáng lo ngại khi có nhiều dấu hiệu cho thấy Boko Haram phối hợp với mạng lưới tội phạm để tiến hành các vụ bắt cóc tống tiền. Abubakar Shekau, kẻ bị truy nã gắt gao nhất châu Phi với cái giá 7 triệu USD, đã cử sứ giả đến làm việc với các băng nhóm tội phạm để tiến hành thêm nhiều vụ bắt cóc, đồng thời thường nâng cao tiền chuộc sau mỗi vụ bắt cóc.
Theo giới phân tích, chính sự kết hợp giữa mạng lưới tội phạm và tổ chức khủng bố trên khắp miền Bắc Nigeria đang làm gia tăng tình trạng bất ổn, trải dài từ khu vực Hồ Chad, đến vùng Sahel (gồm 5 nước Mali, Mauritania, Niger, Burkina Faso và Chad), rồi đến sa mạc Sahara và lây lan sang tận Libya.
Trong bối cảnh trên, Chính phủ Nigeria cam kết triển khai các biện pháp an ninh mới để đối phó bạo lực. Ðầu tháng này, Bello Matawelle, thống đốc bang Zamfara, tuyên bố triển khai 6.000 quân liên bang để tấn công các nhóm tội phạm trú ẩn tại rừng rậm Rugu. Ông Matawelle cũng ban bố lệnh cấm hơn 1 người đi trên cùng 1 mô tô - phương tiện thường dùng để phạm pháp. Cũng đầu tháng này, Tổng thống Muhammadu Buhari công bố “vùng cấm bay” tại bang Zamfara, đồng thời tuyên bố bất kỳ ai bị nhìn thấy mang súng trong rừng Rugu đều sẽ bị bắn.
Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) sau khi tan rã tại Iraq và Syria đã sử dụng Tây Phi làm nơi tuyển quân. Nhóm Boko Haram vì thế đã chấp nhận “đầu quân” cho IS. Sau khi sáp nhập vào IS, Boko Haram đã thay đổi chiến thuật từ tấn công nhà thờ, chợ, các tòa nhà công cộng và doanh trại sang bắt cóc những người không có khả năng tự vệ nhằm kiếm tiền nguồn thu phục vụ cho tham vọng xây dựng nhà nước Hồi giáo toàn cầu còn dang dở của IS.
TRÍ VĂN (Theo WSJ)