Hội nghị cấp cao năng lượng của 12 quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ diễn ra tại Vienne (Áo) vào hôm nay 27-11. Đây được coi là hội nghị quan trọng nhất trong nhiều năm qua khi giá dầu thô trên thị trường thế giới tính vào ngày 25-11 đã giảm đến mức thấp nhất kể từ tháng 9-2010. Trước ngày 25-11, giá dầu thô thế giới giảm 32% chỉ trong vòng 5 tháng qua, từ 115 USD/thùng xuống còn 78 USD/thùng.
OPEC sản xuất 30 triệu thùng dầu thô/ngày, đáp ứng 1/3 nhu cầu nhiên liệu của thế giới. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nghiêm trọng chưa từng có năm 2008 khiến giá dầu thô giảm từ 147 USD/thùng xuống còn 34 USD/thùng, tổ chức có doanh thu dầu mỏ trung bình 1 tỉ USD/ngày này đã mạnh dạn cắt giảm sản lượng khai thác 4,2 triệu thùng/ngày để kéo giá dầu tăng lên.
Tuy nhiên, đó là một quyết định đầy khó khăn và dũng cảm của OPEC xét trên bối cảnh chính trị quốc tế thời ấy. Hiện tại, sản lượng khai thác dầu của các nước bên ngoài như Nga, Mỹ, Mexico tăng trưởng mạnh và qua mặt OPEC. Chẳng hạn, tính từ năm 2008, sản lượng dầu của Mỹ tăng lên 70%, tức thêm 3,5 triệu thùng/ngày, mức tăng cao hơn bất kỳ quốc gia nào trong OPEC, kể cả nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất Arabie Séoudite.
Để nâng giá dầu lên, OPEC cần có sự hợp tác của các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn bên ngoài. Thế nhưng, cuộc họp hôm 25-11 giữa hai nước thành viên đầu tàu OPEC là Arabie Séoudite và Venezuela với Nga và Mexico đã không thống nhất được bất kỳ kế hoạch cắt giảm nào, dù tất cả các bên đều nhìn nhận giá dầu hiện nay "không tốt" cho quốc gia sản xuất. Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước đó đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và hai bên thống nhất "cần có sự phối hợp cần thiết thúc đẩy thị trường dầu mỏ".
Nguồn cung dầu thô được dự báo sẽ vượt nhu cầu 1,2 triệu/ngày vào năm tới và giá dầu vì thế sẽ tiếp tục giảm nếu sản lượng khai thác vẫn duy trì mức hiện nay. Giới phân tích cho rằng nhằm tránh nguy cơ thừa nguồn cung và để kéo giá dầu lên vào đầu năm 2015, các nhà sản xuất cần giảm khai thác 1,5 triệu thùng/ngày. Một nguồn tin từ Nga cho biết nước này có thể đề xuất tự cắt giảm khoảng 300.000 thùng/ngày và yêu cầu OPEC giảm 1,4 triệu thùng/ngày.
Trước ngày hội nghị, Bộ trưởng Năng lượng Venezuela Rafael Ramirez cho rằng giá dầu thô ở mức 100 USD/thùng là "hợp lý". Bộ trưởng Iraq Adel Abdul-Mehdi tuyên bố giá dầu hiện tại "là không thể chấp nhận được". Tuy nhiên, theo giới phân tích, áp lực địa chính trị có thể khiến Arabie Séoudite phải tính toán nhiều hơn. Riyadh tin rằng giá dầu thấp sẽ tác động đến nguồn thu của Iran, buộc Tehran ngưng chương trình hạt nhân, đồng thời khiến Nga dừng kế hoạch cung cấp tài chính giúp Iran phát triển thêm các nhà máy hạt nhân mới. Giá dầu thấp cộng với các biện pháp cấm vận dầu mỏ của quốc tế sẽ làm nguồn thu ngân sách lớn từ dầu mỏ của Nga và Iran giảm mạnh.
Mặt khác, như lo ngại của OPEC bấy lâu nay, nguồn dầu đá phiến đang là mối đe dọa lớn đối với tổ chức này. Nhiều nhà phân tích cho rằng tầm ảnh hưởng của OPEC đang giảm sút và những quyết định điều chỉnh sản lượng của tổ chức này không còn khiến thị trường lo lắng như trước đây với sự xuất hiện của nguồn dầu đá phiến giá rẻ từ Mỹ, Canada và một số nước khác. Vì thế một số quốc gia Vùng Vịnh, vốn có thể cân đối ngân sách khi giá dầu ở mức thấp, quan ngại cắt giảm sản lượng khai thác khác nào "tự đánh vào mặt mình", càng khuyến khích Mỹ đầu tư khai thác dầu đá phiến nhiều hơn để hưởng lợi khi giá dầu tăng. Khi ấy, nhiều thành viên OPEC có thể mất thị trường vào tay Mỹ.
Có thể nói, mục tiêu cắt giảm cụ thể cho từng quốc gia thành viên OPEC luôn là vấn đề tranh cãi khó dàn xếp giữa các nước có năng lực sản xuất lớn nhỏ và theo đuổi đường lối chính trị khác nhau. Ở lần hội nghị này, sự chia rẽ ấy càng lớn và có thể trở thành ván cờ mang tính chiến lược.
KIẾN HÒA