Các dự án thuộc Sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc đang bị giám sát chặt chẽ tại Thái Lan sau khi trận động đất cường độ 7,7 ở Myanmar hôm 28-3 phá hủy tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Nhà nước Thái Lan (SAO) cao 30 tầng cách đó 966 kilomet mà các kỹ sư Trung Quốc đang xây dựng tại thủ đô Bangkok, khiến 15 người tử vong và 72 người khác mất tích.
Tòa nhà có nhiều nghi vấn
Vụ đổ sập tòa nhà chọc trời nói trên làm lộ ra nhiều thanh cốt thép được cho là không đạt chuẩn. “Tôi đã xem nhiều đoạn clip về sự sụp đổ của tòa nhà từ nhiều góc độ khác nhau nhưng theo kinh nghiệm của tôi trong ngành xây dựng, tôi chưa bao giờ thấy vấn đề nào như thế này. Chúng ta phải điều tra kỹ lưỡng, bởi một phần đáng kể ngân sách đã được phân bổ và thời hạn hoàn thành dự án đã được gia hạn” - Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sửng sốt cho biết.

Hiện trường tòa nhà cao 30 tầng bị sập ở thủ đô Bangkok. Ảnh: FMT
Theo Asia Times, trong đống đổ nát của tòa nhà bị sập, các nhà điều tra xác định được 2 loại thanh cốt thép mà Viện Sắt và Thép Thái Lan sau đó phát hiện ra thành phần hóa học, khối lượng và độ bền của chúng không đạt yêu cầu trong các cuộc thử nghiệm của họ.
Mối lo ngại về vai trò của Trung Quốc trong vụ sập đổ của tòa nhà chọc trời chưa hoàn thiện nói trên xuất hiện vào thời điểm một số người Thái bày tỏ quan ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại vương quốc này. Các nhà kinh tế cho biết, Thái Lan phải đối mặt với thiệt hại ước tính hơn 1 tỉ USD vì trận động đất ở Myanmar. Chưa kể, trận động đất cũng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế đang gặp khó của Thái Lan, trong đó đặc biệt là ngành du lịch, thị trường chung cư cao tầng và ngành xây dựng trị giá hàng tỉ USD. Ước tính, ít nhất 30 tòa nhà cao tầng ở Bangkok không thể ở được nữa do động đất.
Tờ Bangkok Post hôm 7-4 đưa tin, cuộc điều tra nguyên nhân khiến tòa nhà nói trên bị đổ sụp chính thức bắt đầu ngày 8-4 với sự tham gia của Cục Điều tra Đặc biệt (DSI), Cục Công trình Công cộng và Quy hoạch Đô thị - Nông thôn cùng Cục Cảnh sát Đô thị Thái Lan.
Guồng máy thúc đẩy BRI
Được biết, tòa nhà được một liên doanh giữa Công ty Phát triển Ý-Thái (ITD) và Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt số 10 Trung Quốc, xây dựng với kinh phí 2,1 tỉ baht (tương đương 56,7 triệu USD). ITD được thành lập hồi năm 1958, là công ty xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nhất tại Thái Lan và là một trong những công ty lớn nhất ở Đông Nam Á. Một trong những dự án nổi bật của ITD tại Thái Lan là dự án xây dựng nhà ga hành khách tại Sân bay quốc tế Suvarnabhumi hồi năm 2006.
Trong khi đó, Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt số 10 Trung Quốc là một phần của Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc (CREC), một trong những công ty xây dựng và kỹ thuật lớn nhất thế giới. Tại Thái Lan, CREC và Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt số 10 Trung Quốc đang là guồng máy thúc đẩy BRI, gồm dự án lắp đặt đường ray trên tuyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Bắc Kinh và Singapore qua thủ đô Bangkok. Ngoài ra, CREC còn giúp xây dựng một trong những tuyến tàu điện ngầm của Bangkok và đang đấu thầu các tuyến khác. Trước khi xảy ra trận động đất ở Myanmar, CREC tự hào tuyên bố hợp đồng xây dựng tòa nhà chọc trời nói trên là “tòa nhà cao tầng đầu tiên” do CREC xây dựng ở nước ngoài.
Theo phương tiện truyền thông địa phương, Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt số 10 Trung Quốc cũng đang xây dựng một nhà ga sân bay trị giá 20 triệu USD tại tỉnh Narathiwat (miền Nam Thái Lan). Song, Philip J Cunningham, nhà nghiên cứu về chính trị châu Á trên phương tiện truyền thông, cho biết sau trận động đất, trang web của CREC đã xóa sạch hình ảnh cũng như những gì có liên quan đến tòa nhà, gồm cả thông báo trước đó của CREC.
Do đó, theo chỉ đạo của nữ Thủ tướng Paetongtarn, tất cả các cơ quan liên quan đã được yêu cầu làm rõ CREC đã thực hiện bao nhiêu dự án khác. “Tất cả các tòa nhà ở Bangkok phải đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý. An toàn phải là ưu tiên hàng đầu”, bà Paetongtarn nhấn mạnh.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)