23/07/2016 - 16:46

Ươm mầm đam mê

Mới đây, các học viên khóa 9, chuyên ngành diễn viên kịch- điện ảnh, Trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật Cần Thơ có buổi thi tốt nghiệp bằng một vở kịch được đầu tư bài bản. Diễn xuất hết mình, nghiêm túc, các học viên cho thấy niềm đam mê sân khấu. Để từ đây, một lớp diễn viên mới chính thức bước vào đời sống nghệ thuật.

7 học viên đã kết thúc 3 năm học tập bằng vở kịch "Nhất vợ nhì trời" của tác giả Linh Trung. Đây là kịch bản hài mang màu sắc dân gian Nam bộ kể về 3 người đàn ông trong gia đình gồm cha vợ và 2 chàng rể luôn phục tùng, e dè vợ của mình. 3 người phụ nữ ấy dù hà khắc, chi li nhưng thâm tâm rất yêu thương chồng và gia đình. Kịch bản quen thuộc, từng được chuyển thể kịch nói, cải lương… nhưng các học viên thi tốt nghiệp đã thu hút khán giả bằng lối diễn mới lạ, hài hước.

Cái khó của các học viên là 6/7 người đều là nam nên việc hóa thân vào vai nữ đành phải nhờ trang phục và hóa trang. Nổi bật là Tấn Hoài, giả trang bà Tư rất sâu sắc, không õng ẹo phản cảm mà đi sâu vào tâm lý nhân vật. Tấn Hoài nói: "Điều mà tôi cố gắng chuyển tải ở nhân vật là làm sao bà Tư hà khắc, kỷ luật với chồng con nhưng những khi một mình, bà Tư luôn mềm lòng, thương chồng con cực khổ". Tạo nên tiếng cười cho vở diễn là 3 người đàn ông: ông Tư Gà chết và 2 chàng rể Hai Khờ và Ba Đực, với những tình tiết hài hước. Ấn tượng phải kể đến Phước Trân trong vai Tư Gà chết, anh khiến khán giả cười ồ với vai ông già Nam bộ sống đơn giản, không toan tính và tiếu lâm.

 Cảnh trong vở “Nhất vợ nhì trời” do các học viên khóa 9 thi diễn.

Nghệ sĩ Thạch Chanh, Trưởng Khoa Sân khấu, Trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật Cần Thơ, cho rằng, các học viên lớp diễn viên kịch- điện ảnh khóa 9 đã hoàn thành khá tốt phần thi của mình. Các học viên đã nắm được kiến thức và kỹ năng cốt lõi của diễn viên khi hóa thân vào nhân vật, diễn xuất tung hứng cùng bạn diễn. Đặc biệt, phần hóa trang, đạo cụ trong toàn vở diễn đều do các học viên tự thực hiện. Nhờ vậy, mỗi học viên ra trường đều nắm vững kiến thức chuyên sâu như tiếng nói diễn xuất, hóa trang, thiết kế sân khấu…

Ông Thạch Chanh cho biết thêm, sau 8 khóa đào tạo trước, khoảng 70 học viên đã tốt nghiệp và 1/3 trong số đó đang làm nghề, một số người đã tạo được chỗ đứng trong làng giải trí như Minh Ngân, Bảo Yến… Số còn lại công tác tại Trung tâm Văn hóa các địa phương. "Tôi cho rằng tỷ lệ 1/3 này là chấp nhận được trong bối cảnh hoạt động của sân khấu kịch, điện ảnh ở ĐBSCL còn quá ít như hiện nay. Số em còn lại dù không trực tiếp diễn nhưng cũng thành công với kiến thức được đào tạo như dẫn chương trình, trang điểm…"- ông Chanh nhận định.

Trong khóa 9 này, phần nhiều học viên đã tìm được việc làm bán thời gian ngay từ khi vào học. Tấn Hoài cho biết, anh vẫn đang làm diễn viên tự do, cộng tác với các đơn vị sản xuất phim ca nhạc, điện ảnh… và có thể sống được nhờ nghề diễn của mình. "Tôi luôn cố gắng vì đam mê"- Tấn Hoài nói. Còn với Phước Trân, anh rất tâm huyết với những vai diễn hài trên sân khấu, dù biết loại hình này hiện đang có sự cạnh tranh gay gắt. Phước Trân chia sẻ: "Tôi luôn cố tạo cho mình nét diễn riêng, mới lạ và không tự làm xấu hình thể để chọc cười". Nghe các học viên tâm tình, có thể cảm nhận đam mê và tình yêu dành cho sân khấu của các bạn, dù để thành danh trong làng giải trí hiện tại không phải dễ dàng.

*

* *

Rời sân khấu vở diễn "Nhất vợ nhì trời", mỗi người cũng sẽ rời ghế giảng đường với hoài bão, đam mê sân khấu, góp cho kịch Cần Thơ và ĐBSCL làn gió mới.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết