|
Tổng thống Pháp phát biểu tại Abu Dhabi ngày 26-5.
Ảnh: Reuters |
Tổng thống Nicolas Sarkozy ngày hôm qua (26-5) bắt đầu chuyến thăm Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và tham dự lễ khai trương căn cứ quân sự đầu tiên của Pháp tại vùng Vịnh. Theo hãng tin AFP, căn cứ mang tên gọi hoa mỹ là “Trại Hòa bình” này sẽ có 500 lính Pháp đồn trú tại 3 địa điểm, có thể sử dụng như một căn cứ hải quân và hậu cần, một căn cứ không quân với 3 máy bay chiến đấu và một trại huấn luyện quân đội.
Phát biểu tại một hội nghị an ninh khu vực vừa được tổ chức ở Thủ đô Abu Dhabi của UAE, Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner tuyên bố việc thành lập căn cứ quân sự đầu tiên và lâu dài của nước này ở vùng Vịnh là một bước đi quan trọng trong hợp tác quốc tế chống hải tặc và bảo đảm an ninh cho các tuyến đường vận chuyển dầu mỏ thiết yếu. Còn ông chủ Điện Élysée trong cuộc trả lời phỏng vấn trên một tạp chí ngoại giao thì cho rằng căn cứ quân sự mới này thể hiện khát khao của Pháp “tham gia đầy đủ vào sự ổn định của khu vực có vai trò chiến lược cho sự cân bằng của thế giới”. Theo các nhà phân tích, căn cứ quân sự trên có vai trò rất quan trọng, bởi nó giúp Pháp có chỗ đứng vững chắc hơn ở khu vực giàu dầu mỏ này. Ngoài việc tham gia đảm bảo an ninh cho Eo biển Hormuz, nơi 40% lượng dầu thô của thế giới đi ngang qua, “Trại Hòa bình” còn có thể giúp Paris tranh thủ được các hợp đồng quân sự và năng lượng hạt nhân béo bở như Mỹ và Anh đang làm. Cụ thể, theo AFP, phái đoàn doanh nghiệp Pháp tháp tùng Tổng thống Sarkozy hy vọng sẽ thuyết phục UAE ký hợp đồng mua 60 máy bay chiến đấu đa chức năng Rafale (trị giá từ 8-11 tỉ USD), đồng thời ký thỏa thuận phát triển một công viên hạt nhân.
Tuy nhiên, sự ra đời của căn cứ quân sự này vấp phải phản ứng gay gắt từ Tehran. Bộ Ngoại giao Iran cảnh báo “sự hiện diện của quân đội nước ngoài sẽ là một yếu tố mất an ninh và bất ổn định” tại khu vực. Một số chính trị gia Pháp cũng không đồng tình việc triển khai căn cứ quân sự tại UAE, cho rằng điều này làm tăng nguy cơ buộc Paris phải can dự vào một cuộc chiến không mong muốn tại Trung Đông, vừa là rốn dầu nhưng cũng là chảo lửa.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với UAE như là một mô hình phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình giữa Mỹ và các nước A-rập. Theo Phòng thương mại Mỹ, thỏa thuận này có thể giúp các doanh nghiệp Mỹ ký hợp đồng xây dựng các nhà máy hạt nhân trị giá lên đến 40 tỉ USD tại UAE. Dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố thỏa thuận trên “là một bước đi quan trọng cho việc xây dựng quan hệ đối tác lâu dài và có hiệu quả nhằm tăng cường chính sách không phổ biến hạt nhân quân sự và đảm bảo an ninh năng lượng”, nhưng các nhà hoạt động phi hạt nhân và một số chính khách Mỹ cảnh báo đây là một tiền lệ nguy hiểm vì nó kích thích cuộc chạy đua phát triển hạt nhân ngoài tầm kiểm soát ở khu vực.
UAE là quốc gia giàu dầu mỏ và thịnh vượng bậc nhất vùng Vịnh, nơi mà các cường quân sự và hạt nhân có thể tranh giành các hợp đồng thương mại béo bở ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, dư luận lo ngại những toan tính của phương Tây tại khu vực dễ bị tổn thương này có thể gây nên một thảm kịch khó lường.
PHÚC NGUYÊN
(Theo Le Monde, AFP, Csmonitor)