Nhìn bề ngoài, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) là hai thực thể có vai trò và mục tiêu khác nhau trong vấn đề chiến tranh và hòa bình tại một số nơi trên thế giới. NATO có nhiệm vụ giải quyết xung đột bằng quân sự, còn EU là tổ chức chính trị đi sau giúp duy trì hòa bình và an ninh thời hậu chiến. Để tạo sự khác biệt đó, dù trụ sở chính của NATO và EU chỉ đặt cách nhau 4.500 mét tại Thủ đô Brussels của Bỉ, nhưng Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer và Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Javier Solana hầu như không có mối quan hệ chính thức nào.
Thế nhưng, trên thực tế, theo một quan chức quân sự EU, các tướng lĩnh cấp cao của hai bên thường xuyên bí mật trao đổi những vấn đề cùng quan tâm. Họ không hề để lại dấu vết nào sau những lần “tiếp xúc không chính thức” đó. Để “hợp thức hóa” mối quan hệ này, năm 2005, Tổng thư ký Scheffer đã đề nghị NATO và EU thúc đẩy hợp tác trong việc hiện đại hóa khả năng quân sự, đồng thời tăng cường phối hợp hành động tại các khu vực mà hai bên có chung lợi ích an ninh cũng như có thể hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Đề nghị đó được EU chấp nhận. Mà làm sao EU không chấp nhận hợp tác với NATO trong khi bản thân họ đang phải phụ thuộc vào “vòng tay an ninh” của NATO! Chẳng hạn, 1.500 cảnh sát và nhân viên tư pháp EU chắc chắn sẽ không thể ở lại Kosovo nếu không nhờ sự “chở che” của gần 15.000 binh sĩ NATO. Một tướng lĩnh EU đã ví von NATO như vị nhạc trưởng của giàn giao hưởng, còn EU chỉ là những nhạc công.
Hiện nay, 21 trong số 27 quốc gia EU là thành viên NATO. Trong 6 nước còn lại, ngoài Chypre, thì Áo, Phần Lan, Ireland, Malta và Thụy Điển cũng đều là thành viên trong chương trình Đối tác vì hòa bình của NATO. Trong số 5 nước này, ngoài quốc gia tí hon Malta ra, tất cả đều đưa quân đội của mình phục vụ dưới “màu áo” của NATO tại Afghanistan, khu vực Balkan và một số nơi khác nữa.
Mới đây, một thành viên chủ chốt của EU là Pháp đã chính thức trở lại bộ chỉ huy quân sự NATO sau hàng chục năm vắng bóng. Điều này có nghĩa vai trò của NATO sẽ được tăng cường trong khi sứ mạng của EU sẽ giảm xuống. Nói cách khác, theo các nhà bình luận, EU đã bắt đầu từ bỏ tham vọng an ninh-quân sự riêng và chấp nhận “hòa tan” vào NATO theo mưu đồ thống lĩnh quân sự toàn cầu của “người anh cả” Mỹ.
Lực lượng duy trì hòa bình của EU và NATO rõ ràng tuy hai mà một. Chỉ có điều làm người ta hết sức lo ngại, theo một thành viên nghị viện châu Âu từ Đức Tobia Pfluger, là bất kỳ nỗ lực nào nhằm tăng cường sức mạnh của NATO thông qua việc hợp tác chặt chẽ hơn với EU đều làm gia tăng nguy cơ xung đột quốc tế, đồng thời dẫn tới việc quân sự hóa chính sách đối ngoại của EU cũng như thúc đẩy xu hướng sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các cuộc xung đột trên toàn cầu.
KIẾN HÒA
(Theo Le Figaro, Xinhua)