14/06/2022 - 05:52

Tương lai nào cho người tị nạn Afghanistan ở Iran? 

Cách đây 3 năm, Esmat khi đó 18 tuổi đã quyết định rời quê nhà ở tỉnh Nimroz (Afghanistan), trải qua cuộc hành trình đầy gian khổ kéo dài nhiều ngày đến Iran để mong có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Một người tị nạn Afghanistan ngồi tại khu vực biên giới Dowqarun giữa Iran và Afghanistan. Ảnh: Reuters

Một người tị nạn Afghanistan ngồi tại khu vực biên giới Dowqarun giữa Iran và Afghanistan. Ảnh: Reuters

Giờ đây, Esmat mới tiết lộ rằng đã trả 60 triệu rial (tương đương 200USD trên thị trường chợ đen) cho những kẻ buôn người. Theo tờ Al Jazeera, Esmat nhập cảnh sang Pakistan, sau đó đi ôtô hơn 1.200km để đến thủ đô Tehran của Iran. “Họ chất 12 người chúng tôi vào một chiếc ôtô sedan. 4 người trong cốp xe, 6 người ở hàng ghế sau và 2 người ở hàng ghế trước bên cạnh tài xế. Nếu các nhân viên an ninh biên giới bắt được thì chúng tôi sẽ bị trục xuất”, Esmat nhớ lại. Esmat cho biết trên đường đến Tehran, anh và những người tị nạn khác bị giam ở những nơi ẩm thấp, thiếu thức ăn và nước uống.

Nhờ gặp được những người chú bác và người quen đến Tehran tìm kế sinh nhai từ vài năm trước đó, Esmat đã được hỗ trợ xin việc làm tại một công trình xây dựng, đồng thời cũng làm việc tại một nhà hàng và học việc với người bán thịt. Esmat hiện đã trở về với gia đình ở Afghanistan vì anh nhớ họ và họ cũng cần sự giúp đỡ của anh. Dù hành trình xa xôi trắc trở mà anh đã trải qua, nhưng Esmat nói rằng một ngày nào đó anh sẽ trở lại Iran và sẽ cố gắng có được các giấy tờ hợp pháp để ở lại Cộng hòa Hồi giáo. “Ở đây vẫn tốt hơn là ở đó, bởi ở đây ít nhất bạn cũng có một chút an toàn. Taliban muốn áp đặt mọi thứ, từ cách ăn mặc, mái tóc, niềm tin đến cách sống của bạn” - Esmat nói thêm.

Song, cuộc sống ở Iran không hề dễ dàng đối với những người tị nạn Afghanistan. Theo số liệu của Chính phủ Iran, hơn 4 triệu người Afghanistan đã nhập cư vào nước này. Trong đó, khoảng 500.000 người tị nạn Afghanistan được cho là đã tràn sang Iran để từ khi Taliban trở lại nắm quyền vào tháng 8 năm ngoái.

Thật vậy, áp lực kinh tế đã khiến cho cuộc sống của người dân Iran ngày càng trở nên khó khăn, huống chi là hàng triệu người tị nạn, đặc biệt là những người không có giấy phép cư trú hoặc không có nhà cửa hay việc làm. Dữ liệu của Chính phủ Iran cho thấy, hiện chỉ 780.000 người tị nạn Afghanistan ở Iran có giấy phép cư trú, 586.000 người có hộ chiếu và 2,6 triệu người không có giấy tờ tùy thân. Song, bất kể tình trạng của họ có ra sao, tất cả người tị nạn Afghanistan ở Iran đều được học hành miễn phí, có thể sử dụng các khoản trợ cấp mà chính phủ phân bổ để kiểm soát giá thực phẩm, thuốc men và xăng dầu. Nhưng những người tị nạn không có giấy tờ không thể tham gia vào một số hoạt động, gồm mở tài khoản ngân hàng, mua nhà hoặc SIM điện thoại. Họ cũng không thể tiếp cận với các chương trình như bảo hiểm y tế. “Hồi đó tôi có thể tiết kiệm được một số tiền và gửi về cho gia đình ở Afghanistan. Nhưng bây giờ tôi hầu như không thể kiếm đủ tiền và có vẻ như mọi thứ trở nên tồi tệ hơn” - Khetab, một người tị nạn 27 tuổi không có giấy tờ đến Tehran hồi năm 2017, cho biết.

Vào thời điểm Khetab đến, Iran còn đang hứng chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ. Sau đó, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 hồi năm 2020 làm hơn 141.000 thiệt mạng khiến tình hình càng trở nên trầm trọng hơn. Thế nhưng, ngay cả khi nền kinh tế tổng thể của Iran gần như ổn định thì lạm phát tràn lan, nạn thất nghiệp hoành hành đã khiến dân số khoảng 85 triệu người của Iran phải vất vả kiếm sống. Nền kinh tế nước này một lần nữa chao đảo vào đầu tháng 6 khi Tổng thống Ebrahim Raisi tiến hành nhiều cuộc cải cách kinh tế lớn, tạm thời dẫn đến lạm phát nhiều hơn, giá các mặt hàng chủ lực như thịt gà, dầu thực vật tăng lên vùn vụt.

Nhiều báo cáo cho thấy những người tị nạn Afghanistan bị ngược đãi ở Iran. Đáng chú ý, một số clip được đăng tải lên mạng hồi tháng trước còn cho thấy những người tị nạn bị lính biên phòng Iran đánh đập. Vụ việc đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình chống Iran ở Afghanistan. Đáng lo ngại khi tờ TOLO News của Afghanistan tiết lộ rằng một số người tị nạn Afghanistan bị quấy rối khi muốn trở về quê. Trong bối cảnh đó, người phát ngôn chính quyền Taliban Zabihullah Mujahid kêu gọi chính quyền Iran kiềm chế, không làm hại những người tị nạn và cho phép họ trở về Afghanistan một cách hòa bình nếu họ muốn.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết