01/08/2017 - 15:11

Tự chủ tài chính - “Thúc” bệnh viện công đổi mới
Bài cuối: Để tự chủ tài chính hiệu quả 

Hiện nay, các đơn vị y tế công lập mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã đề ra nhiều giải pháp để sẵn sàng tự chủ tài chính. Lãnh đạo ngành y tế cũng đã xây dựng lộ trìanh cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống y tế công lập trên địa bàn thành phố phát triển theo con đường tất yếu này.

Nỗ lực vượt qua thách thức

Cán bộ y tế BV Phụ sản thành phố tư vấn các dịch vụ sinh cho thai phụ. Ảnh: THU SƯƠNG

Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, việc tự chủ tài chính không chỉ giúp Nhà nước giảm gánh nặng về ngân sách, mà còn giúp phát huy tốt hiệu quả hoạt động của các bệnh viện (BV).

Thông tin từ các BV, từ năm 2016 trở về trước, hằng năm các BV đều được ngân sách cấp từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng cho kinh phí chi thường xuyên.

Như BV Phụ sản thành phố Cần Thơ, năm 2016, được cấp 15 tỉ đồng, BV Nhi đồng thành phố được cấp 35 tỉ đồng, BV Đa khoa thành phố được cấp 33 tỉ đồng,…

Như vậy, khi các BV thực hiện tự chủ tài chính, sẽ tiết kiệm được một khoản ngân sách rất lớn.

Theo bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế thành phố, đối với hệ thống y tế công lập thành phố Cần Thơ, BV Phụ sản thành phố Cần Thơ là đơn vị tiên phong thực hiện tự chủ tài chính.

Đây cũng là điển hình để các đơn vị y tế công nhìn nhận rõ hơn những cơ hội, thách thức đang đặt ra nhằm xây dựng lộ trình tự chủ tài chính phù hợp cho đơn vị mình.

BV Phụ sản thành phố Cần Thơ đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về cơ sở vật chất, chất lượng nguồn nhân lực, sức thu hút bệnh nhân. BV có uy tín cao với người dân trong vùng chính là điều kiện cần và đủ để BV thực hiện tự chủ.

Nhận định về tự chủ tài chính của hệ thống y tế công lập thành phố, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết, thành phố đồng thuận với xu hướng này để góp phần giảm dần gánh nặng ngân sách Nhà nước. Đơn vị nào đủ điều kiện tự chủ thì khuyến khích cho tự chủ, đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp xã hội hóa để đầu tư, phát triển điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị… để nâng cao điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc BV Phụ sản phụ sản thành phố Cần Thơ, cho biết: “Để thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính theo Nghị định 16, năm 2017, BV Phụ sản chủ động thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thu hút và làm hài lòng người bệnh".

"Chủ động triển khai các hoạt động tạo tiền đề cho sự phát triển như: xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch, chiến lược phát triển; tổ chức cơ cấu bộ máy phù hợp với tình hình thực tế của BV, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại..."

"BV đẩy mạnh các giải pháp huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng “Trung tâm khám chữa bệnh theo yêu cầu ứng dụng công nghệ cao”. Hiện BV đã triển khai được hầu hết các kỹ thuật cao trong lĩnh vực sản phụ khoa và sơ sinh”.

Qua 2 năm thành lập, BV Phụ sản thành phố Cần Thơ hiện là địa chỉ tin cậy chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em.

Thời gian qua, các ê kíp phẫu thuật đã cấp cứu thành công cho rất nhiều trường hợp bệnh nặng, bệnh khó từ tuyến dưới và các tỉnh trong vùng chuyển đến.

BV có 3 khu dịch vụ theo yêu cầu A, B, C với 50 phòng tiêu chuẩn khách sạn: rộng rãi, thoáng mát, được đầu tư trang thiết bị mới, hiện đại.

Cùng với đó là chế độ điều trị, chăm sóc đặc biệt được đảm nhiệm bởi đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh giàu kinh nghiệm.

Chị Nguyễn Thị Tú Dương (32 tuổi, ở quận Bình Thủy) chia sẻ, BV Phụ sản thành phố Cần Thơ cung cấp chuỗi các dịch vụ khép kín, giúp chị em chuẩn bị “vượt cạn” cảm thấy thoải mái, dễ dàng hơn.

Thực hiện tự chủ tài chính buộc các BV tìm giải pháp thu hút bệnh nhân, đồng thời cũng là cơ hội cho BV chủ động chọn hướng phát triển của đơn vị.

Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, khẳng định: “BV công hướng đến cơ chế tự chủ tài chính là một chủ trương đúng đắn, giúp cho các BV có thể huy động vốn mua sắm trang thiết bị hiện đại, phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, xây dựng thương hiệu, tăng được thu nhập cho cán bộ, công nhân viên.

Nhờ đó, người dân được khám chữa bệnh bằng những kỹ thuật cao ngay tại địa phương, giảm được phần lớn chi phí khi phải lên tuyến trên điều trị. Về y đức cũng phần nào khắc phục được thái độ ban ơn, cách hành xử nhiều khi hách dịch trong một bộ phận cán bộ y tế”.

 Chủ động đổi mới

Tự chủ tài chính có tác dụng lớn trong việc khuyến khích, động viên nhân viên thay đổi ý thức, thái độ làm việc theo chiều hướng tích cực.

Lãnh đạo các BV, cơ sở y tế cũng được trao nhiều quyền hơn, tạo điều kiện phát huy được sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và những người tham gia khám chữa bệnh.

Theo lãnh đạo Sở Y tế thành phố, bên cạnh sự đầu tư của thành phố, các BV cần chủ động thực hiện xã hội hóa, bổ sung trang thiết bị y tế, triển khai nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý BV.

Thực hiện sắp xếp lại khoa, phòng; nâng cao y đức, chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới tác phong, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ trong toàn đơn vị...

Theo lộ trình của Bộ Y tế, đến năm 2018, viện phí sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và cả khấu hao tài sản.

Từ đó, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ quy định một mức giá chung đối với mỗi loại dịch vụ y tế, áp dụng chung cho hệ thống tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc.

Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: “Muốn tự chủ thành công, BV công phải tự đổi mới phong cách, đổi mới chuyên môn, thu hút người bệnh.

Đứng trước ngưỡng cửa tự chủ tài chính, cùng những cách làm hay của các BV tư nhân, các BV công lập đã có các bước chuẩn bị để tự chủ trong thời gian tới”.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc BV Phụ sản thành phố, BV sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị, phấn đấu năm 2020 xây dựng BV quy mô 500 giường, trở thành trung tâm sản phụ khoa ĐBSCL.

Song song đó, Bộ Y tế cần nhanh chóng có khung giá thu dịch vụ để các BV có cơ sở thực hiện. Còn về giá giường bệnh, đề nghị cho phép các BV thu tùy theo mức đầu tư.

Chuẩn bị cho lộ trình tiến đến tự chủ tài chính vào năm 2018, bác sĩ Lê Quang Võ, BV Đa khoa thành phố, cho biết: “BV đã chủ động đào tạo đội ngũ nhân lực để phát huy hiệu quả trang thiết bị, liên tục triển khai các kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Cán bộ y tế xem người bệnh là khách hàng, cần phục vụ tốt để tạo sự hài lòng cho người bệnh, tăng nguồn thu cho BV, tạo điều kiện nâng cao đời sống nhân viên”.

Cùng chung lời giải cho bài toán tự chủ, Giám đốc BV Nhi đồng thành phố, bác sĩ Trần Văn Dễ nói: “Để đi vào con đường tự chủ, BV đã đưa nhiều ê kíp lên tuyến trên học tập các kỹ thuật cao, chuyên sâu, như phẫu thuật tim, các kỹ thuật nội soi lĩnh vực nhi,…”.

Tới đây, tại TP Cần Thơ, nhiều BV do các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư sẽ đi vào hoạt động như: BV Đa khoa quốc tế Vinmec Cần Thơ; BV Đa khoa Hòa Hảo – Medic Cần Thơ,…

Do vậy, các cơ sở y tế công tại Cần Thơ phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để cạnh tranh, thu hút người bệnh để thực hiện thành công tự chủ tài chính.

Lộ trình đến năm 2018, Cần Thơ có 5 đơn vị chuyển đổi mô hình tự chủ tài chính đối với sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên gồm: BV Ung bướu; BV Huyết học – Truyền máu; BV Đa khoa thành phố; BV Tim mạch; BV Da liễu. 

Phấn đấu đến năm 2019 thành phố, thêm 4 đơn vị: BV Tai Mũi Họng; BV Mắt-Răng Hàm Mặt; Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường. 

Phấn đấu đến năm 2020 có các đơn vị: BV Nhi đồng; BV Y học Cổ truyền; Trung tâm Y tế dự phòng; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm - thực phẩm; Trung tâm Giám định Y khoa. 

Các đơn vị sự nghiệp còn lại xin giữ nguyên mô hình đơn vị sự nghiệp ngân sách cấp một phần: BV Lao và bệnh phổi; BV Tâm thần; Trung tâm Pháp y; các BV Đa khoa quận/huyện; các Trung tâm Y tế quận/huyện. 

Riêng Trung tâm phòng chống HIV/AIDS; Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe và các Trung tâm Dân số - KHHGĐ quận/huyện theo mô hình đơn vị sự nghiệp ngân sách cấp toàn bộ. 

 

YẾN SƯƠNG

Chia sẻ bài viết