Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ quyết định tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với tất cả các đối tác thương mại không trả đũa Mỹ, còn Trung Quốc bị tăng thuế lên tới 145%, bởi Bắc Kinh tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng” trước mọi áp lực từ Washington.

Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) tiếp Thủ tướng Sanchez tại Bắc Kinh ngày 11-4. Ảnh Reuters
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang tiếp cận các quốc gia khác trong nỗ lực thành lập một mặt trận thống nhất để buộc Mỹ phải thay đổi lập trường. Chủ tịch Tập Cận Bình đã có phát biểu đầu tiên về cuộc chiến thương mại đang leo thang với Mỹ trong cuộc gặp với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại Bắc Kinh ngày 11-4: “Không có người chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại và việc đi ngược lại thế giới sẽ chỉ dẫn đến sự tự cô lập. Trong hơn 70 năm qua, sự phát triển của Trung Quốc dựa trên sự tự lực và làm việc chăm chỉ - không bao giờ dựa vào sự giúp đỡ của người khác và không sợ bất kỳ sự đàn áp bất công nào. Bất kể môi trường bên ngoài thay đổi như thế nào, Trung Quốc vẫn sẽ tự tin và tập trung vào việc quản lý tốt các vấn đề của mình”.
Về phần mình, Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez kêu gọi thúc đẩy mối quan hệ cân bằng hơn giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Sanchez là nỗ lực của Madrid nhằm tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ hơn giữa hai nước trong bối cảnh căng thẳng thương mại quốc tế hiện nay. Chuyến đi diễn ra vào thời điểm EU đang bắt đầu đàm phán về việc bãi bỏ thuế quan đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 8-4, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên bố: “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với EU để cùng thể hiện sự đồng thuận quan trọng mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc và EU đã đạt được; tăng cường giao tiếp và trao đổi; đồng thời làm sâu sắc hơn hợp tác thương mại, đầu tư và công nghiệp giữa Trung Quốc và EU”.
Ðáp lại, bà von der Leyen cho rằng Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát nguy cơ chuyển hướng thương mại do tác động từ thuế quan, đặc biệt ở những lĩnh vực vốn đã chịu áp lực từ tình trạng dư thừa năng lực sản xuất toàn cầu, qua đó kêu gọi hai bên cùng chung tay xây dựng một hệ thống thương mại toàn cầu mạnh mẽ, công bằng và dựa trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng.
Cũng hôm 8-4, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Ðào cùng Ủy viên Thương mại và An ninh Kinh tế EU Maroš Šefčović đã có cuộc họp trực tuyến để thảo luận về “thuế đối ứng” của Mỹ. Ông Vương cho rằng mức thuế mà Mỹ áp đặt “xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của tất cả các quốc gia, vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, gây tổn hại đến hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của trật tự kinh tế toàn cầu”. “Ðây là hành động điển hình của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và bắt nạt kinh tế. Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các bất đồng thông qua tham vấn và đàm phán, nhưng nếu Mỹ khăng khăng theo cách riêng của mình, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng” - ông Vương nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Vương còn có các cuộc gặp với lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN). Trong một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Malaysia Zafrul Aziz hôm 10-4, ông Vương nói rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các đối tác thương mại và giải quyết các mối quan tâm tương ứng “trong nỗ lực chung nhằm bảo vệ hệ thống thương mại đa phương”.
Trong khi đó, Thủ tướng Lý Cường cũng đã có cuộc gặp với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tại khu vực. Tân Hoa xã dẫn lời ông Lý Cường cho hay Trung Quốc “đã đánh giá đầy đủ, sẵn sàng ứng phó với mọi bất ổn và sẽ đưa ra các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn”.
Chưa hết, Chính phủ Trung Quốc trong một tuyên bố xung quanh lập trường về thuế của Mỹ cho biết: “Là nền kinh tế lớn thứ hai và là thị trường lớn thứ hai về hàng tiêu dùng, Trung Quốc cam kết mở cửa rộng hơn nữa với thế giới, bất kể tình hình quốc tế thay đổi như thế nào”.
Song, sau nhiều nỗ lực, Trung Quốc chỉ đạt được một ít thành công, bởi nhiều quốc gia không muốn liên minh với mục tiêu chính của ông Trump trong cuộc chiến thương mại, đặc biệt là những quốc gia có lịch sử tranh chấp với Bắc Kinh. Gabriel Wildau, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Teneo (Mỹ), cho rằng Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong việc tập hợp một liên minh quốc tế rộng lớn hơn để chống lại chính sách thuế quan của Mỹ bằng cách hình thành các khối thương mại mới mà không có sự góp mặt của Washingon. “Theo lập trường của Úc, thương mại tự do và công bằng là điều tốt nhất. Chúng tôi hợp tác với tất cả các nước nhưng chúng tôi bảo vệ lợi ích quốc gia của Úc và tự đứng vững trên đôi chân của mình” - Thủ tướng Úc Anthony Albanese phát biểu trước báo giới.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)