21/03/2023 - 08:37

Trung Quốc phô diễn sức mạnh ngoại giao 

MAI QUYÊN (Theo AP, NPR)

Ngày 20-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Nga. 

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin. Ảnh: AP

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin. Ảnh: AP

Theo thông tin được xác nhận, Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc có cuộc gặp riêng không chính thức và dùng bữa tối trong ngày 20-3, trước khi tổ chức hội đàm vào hôm nay. Dự kiến, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ thảo luận với người đứng đầu Điện Kremlin đề xuất hòa bình 12 điểm mà Bắc Kinh công bố hồi tháng 2 nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine. 

Tăng cường lòng tin

Trước chuyến thăm, ông Tập cho biết quan hệ đối tác toàn diện giữa Nga và Trung Quốc mang lại lợi ích trong một thế giới bị đe dọa bởi “các hành vi gây hấn, bá quyền và độc đoán”. Về phần mình, Tổng thống Putin đặt nhiều kỳ vọng vào các cuộc đàm phán khi quan hệ song phương đang ở thời kỳ đỉnh cao và không ngừng phát triển. Trong nhận định chung, chuyên gia Joseph Torigian tại Đại học Mỹ ở Washington, cho biết cuộc gặp còn mang đến cho Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin cơ hội thể hiện họ có “những đối tác mạnh mẽ” trên mặt trận kinh tế lẫn chính trị.

Dưới lệnh cấm vận của phương Tây, Nga bị cho mất nhiều đối tác và lợi ích thương mại kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2-2022. Để giảm sức ép từ các biện pháp trừng phạt, Mát-xcơ-va đã tăng cường hợp tác với những bên còn lại, đặc biệt là Trung Quốc. Theo Tiến sĩ Vasily Kashin tại Trường Kinh tế Cao cấp Nga, xuất khẩu của Mát-xcơ-va sang Trung Quốc tăng gần 45% vào năm 2022.

Bên cạnh hỗ trợ về thương mại, Trung Quốc cũng tạo được một “vùng đệm chính trị” ở Liên Hiệp Quốc thông qua các lá phiếu trắng và duy trì đối ngoại với Mát-xcơ-va, bất chấp phản đối của phương Tây. Theo Giáo sư Alexey Maslov thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, sự ủng hộ kiên định của Bắc Kinh nhận được đánh giá cao từ Điện Kremlin, từ đó làm hài hòa hơn quan hệ giữa hai cường quốc. Giáo sư Maslov cũng nói thêm, rằng cuộc gặp với Chủ tịch Tập ngày 21-3 có thể cải thiện vị thế chính trị của Tổng thống Putin, vốn trở nên cô lập sau khi bị Tòa án Hình sự Quốc tế cáo buộc về tội ác chiến tranh ở Ukraine và ra lệnh bắt giữ.

Trung Quốc muốn làm suy yếu vị thế của Mỹ?

Chuyến thăm Nga là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Tập tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ thứ 3. Chuyến đi cũng diễn ra sau “chiến thắng ngoại giao” của Bắc Kinh trước Mỹ trong vai trò trung gian giúp nối lại quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia. Bằng cách thảo luận tiếp với Nga vấn đề xung đột Ukraine, giới phân tích cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh ngoại giao với hình ảnh người kiến tạo hòa bình, thúc đẩy sự công nhận quốc tế cho vị thế chính khách có sức ảnh hưởng toàn cầu.

Trong khi đó, cựu chuyên viên phân tích tại Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, Rebekah Koffler đánh giá cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Nga - Trung “rất có ý nghĩa”. Một mặt, sự kiện này mang đến cho Bắc Kinh cơ hội củng cố quan hệ với nước láng giềng cũng là đối tác quan trọng. Mặt khác, chuyến đi giúp đánh bóng uy tín của Trung Quốc với tư cách đối thủ nặng ký trong bối cảnh quan hệ với Mỹ, châu Âu và các nước láng giềng tiếp tục căng thẳng. “Trung Quốc đang cho thấy họ có thể hỗ trợ Nga và phát đi tín hiệu về khả năng làm nhiều hơn nữa nếu quan hệ với Mỹ tiếp tục xấu đi” - theo chuyên gia Torigian. Ngoài ra, theo Giáo sư Rana Mitter tại Đại học Oxford (Anh), Trung Quốc có thể hy vọng chuyến đi giúp thuyết phục một bộ phận người dân châu Âu trở nên hoài nghi hơn về Mỹ trong các vấn đề về an ninh và hợp tác kinh tế.

Chia sẻ bài viết