17/12/2017 - 10:06

Trung Quốc kéo cáp ngầm qua Bắc Cực 

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cùng với Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc (China Telecom) đang đàm phán với Phần Lan để lắp đặt một tuyến cáp viễn thông tốc độ cao dài 10.500km xuyên qua Bắc Cực, với sự tham gia của Phần Lan, Nhật Bản, Nga và Na Uy nhằm tạo ra kết nối dữ liệu nhanh nhất giữa châu Âu và Trung Quốc vào năm 2020. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) trong chuyến thăm Phần Lan hồi tháng 4. Ảnh: AFP

Cinia Group Oy, công ty công nghệ thông tin và truyền thông nhà nước Phần Lan, được cho giữ “vai trò nổi bật” trong dự án trên hiện đang tìm kiếm đối tác. Cinia ước tính, chi phí xây dựng cơ bản của dự án vào khoảng 820 triệu USD. Sari Arho Havrén, chuyên viên tư vấn của Phần Lan tại Hồng Công dự đoán, với tuyến cáp này, lưu lượng truy cập kỹ thuật số giữa châu Âu và châu Á dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần trong 5 năm tới.

 Một nghiên cứu do cựu Thủ tướng Phần Lan Paavo Lipponen dẫn đầu thực hiện cho Bộ Giao thông Vận tải Phần Lan hồi năm ngoái cho thấy, dự án này “cả về mặt chính trị và công nghệ” đều khả thi.

Bên cạnh tăng cường khả năng kết nối giữa Trung Quốc với các trung tâm dữ liệu và tài chính của châu Âu, dự án trên là một trong những kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc tại khu vực. Nó đồng thời cho thấy mối quan hệ ngày càng ấm dần giữa Trung Quốc và Phần Lan sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 4 năm nay trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên đến thăm Phần Lan kể từ năm 1995. Quan hệ song phương càng trở nên khắng khít khi hồi tháng rồi, tuyến đường sắt nối thành phố Kouvola (Phần Lan) và Tây An (Trung Quốc) đã đi vào hoạt động. Hiện hãng hàng không lớn nhất Phần Lan Finnair Oyj đang tìm cách trở thành một trung tâm vận chuyển chính giữa châu Âu và châu Á.

“Quan hệ kinh tế giữa Phần Lan - Trung Quốc đã thay đổi trong hai năm qua. Trước đây, Phần Lan đầu tư nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc nhưng giờ Trung Quốc trở nên chủ động hơn trong mối quan hệ đối tác cũng như trở nên hoạt động tích cực trong khu vực Bắc Cực” - Jari Sinkari, tổng lãnh sự Phần Lan tại Hồng Công và Ma Cao, nhận định.

Dù Trung Quốc đến nay vẫn chưa công bố bất kỳ chiến lược nào về Bắc Cực nhưng Bắc Kinh đã cho thấy rõ mối quan tâm trong việc khám phá và phát triển tại khu vực, nơi tình trạng băng tan do sự ấm lên toàn cầu được cho sẽ mang lại nhiều cơ hội khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên và vận tải mới. Hồi tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức đưa tuyến đường biển nối nước này với châu Âu thông qua Bắc Băng Dương vào sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, vốn được triển khai nhằm mục đích tăng cường thương mại giữa châu Á, châu Âu và châu Phi thông qua các khoản đầu tư “khủng” vào đường sắt, bến cảng và những cơ sở hạ tầng khác.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết