29/12/2011 - 14:28

Trung Quốc cung cấp dịch vụ định vị toàn cầu

 

Từ ngày 27-12, Trung Quốc bắt đầu cung cấp dịch vụ từ hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu (ảnh), mở ra triển vọng giúp nước này thoát khỏi sự phụ thuộc và trở thành đối thủ cạnh tranh với hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ đang được sử dụng rộng rãi. Bắc Đẩu, do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ không gian Trung Quốc điều hành, sẽ cung cấp các dịch vụ về định vị, dẫn đường... cho xứ sở gấu trúc và các nước lân cận.

Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu từ năm 2000 với mục tiêu tạo ra một hệ thống được công nhận trên toàn cầu vào năm 2020, cạnh tranh với GPS. Chủ nhiệm phòng quản lý Hệ thống Điều hành Vệ tinh Trung Quốc Nhiễm Thừa Kỳ cho biết Bắc Đẩu do Trung Quốc tự chế tạo, hoạt động độc lập và tương thích với các hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu khác trên thế giới. Bắc Đẩu hứa hẹn sẽ cung cấp cho người dùng thông tin định vị chính xác trong phạm vi 10 m, đo vận tốc 0,2 m/giây và cung cấp tín hiệu đồng bộ thời gian chính xác đến 0,02 phần triệu giây.

Hiện tại, Bắc Đẩu gồm 10 vệ tinh và tạo được một hệ thống cơ bản đáp ứng cho các dịch vụ định vị chính xác và truyền tin nhắn ngắn. Năm tới, Bắc Kinh sẽ đưa thêm 6 vệ tinh nữa vào quỹ đạo để cải thiện độ chính xác và mở rộng dịch vụ ra hầu hết khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2020, mạng lưới sẽ tăng lên 35 vệ tinh để có thể phủ sóng toàn cầu.

Việc đưa Bắc Đẩu vào hoạt động có thể giúp quân đội Trung Quốc có được dữ liệu định vị chính xác hơn. Nghiên cứu năm 2004 của nhà khoa học Geoffrey Forden tại Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) cho rằng Bắc Đẩu có thể được sử dụng để dẫn đường các tên lửa hành trình. Hơn nữa, có được hệ thống định vị của riêng mình cũng giúp Trung Quốc thoát khỏi cảm giác bất an nếu Mỹ ngừng cung cấp dịch vụ GPS. Ngoài ra, hệ thống mới có thể giúp Bắc Kinh tăng cường sức mạnh hải quân. Tuy nhiên, các nhà phát triển Bắc Đẩu nhấn mạnh mục tiêu chính của hệ thống này là phục vụ dân sự và thương mại. Họ cho rằng trước năm 2020, Bắc Đẩu có thể tạo ra một thị trường trị giá 400 tỉ NDT (63,2 tỉ USD) liên quan đến các ứng dụng cho giao thông, viễn thông, ngư nghiệp và các ngành công nghiệp khác. Hiện tại, 95% dịch vụ dẫn đường ở Trung Quốc sử dụng GPS.

Hệ thống GPS được Washington đưa vào phục vụ dân sự từ năm 1995, gồm 30 vệ tinh với khả năng cho thông tin định vị chính xác trong phạm vi chưa tới 10m. Trung Quốc là một trong số ít quốc gia thiết lập hệ thống định vị thay thế cho GPS. Hệ thống định vị GLONASS của Nga là đơn vị duy nhất ngoài GPS đang hoạt động phủ sóng toàn cầu trong khi hệ thống Galileo của châu Âu dự kiến đến năm 2019 mới hoàn thành.

THUẬN HẢI
(Theo China Daily, BBC, ibTimes)

Chia sẻ bài viết