06/03/2010 - 09:39

Trung-Ấn cạnh tranh ở Nam Á

Công nhân Trung Quốc tại một công trình xây dựng ở Sri Lanka. Ảnh: AP

Đầu những năm 1990, quan hệ thương mại của Trung Quốc và Ấn Độ với 4 nước Nam Á là Sri Lanka, Bangladesh, Nepal và Pakistan tương đối ngang bằng nhau. Tuy nhiên, hơn một thập niên trở lại đây, Trung Quốc không ngừng thắt chặt quan hệ với các nước mà các nhà chiến lược Mỹ từng gọi là “chuỗi hòn ngọc” ở Nam Á, và dù Ấn Độ có tích cực chạy đua cũng khó lập lại sự cân bằng.

Theo Thời báo New York (Mỹ), nhà đàm phán thương mại của Ấn Độ D. K Mittal mới đây thừa nhận quan hệ kinh tế giữa nước này với các quốc gia láng giềng Nam Á không phát triển mạnh mẽ như mong muốn do thiếu lòng tin chính trị lẫn nhau. Một trong những trở ngại lớn là bầu không khí luôn căng thẳng giữa Ấn Độ và kình địch Pakistan. Mặc dù khu vực Nam Á, trong đó có Ấn Độ, đã đạt được thỏa thuận tự do thương mại, nhưng các bên vẫn tìm cách từ chối dỡ bỏ hàng rào thuế quan để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa và dịch vụ của nhau. Chính vì thế, ông Mittal tuyên bố New Delhi đang quyết tâm cải thiện quan hệ kinh tế với các nước này, mà khởi đầu là ký thỏa thuận thương mại song phương với Bangladesh. Trong thỏa thuận trên, Ấn Độ cam kết bán điện cho Bangladesh, đồng thời cung cấp khoản tín dụng 1 tỉ USD để xây dựng kết cấu hạ tầng và cắt giảm thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước. Đổi lại, Bangladesh cho phép tàu Ấn Độ được sử dụng một bến cảng do Trung Quốc đang đầu tư sửa chữa. Theo tờ Le Monde (Pháp), cảng nước sâu Chittagong mà Trung Quốc đang nâng cấp dự kiến sẽ trở thành một trung tâm vận chuyển container quan trọng ở Bangladesh. Cảng này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Trung Quốc thâm nhập sâu vào Bangladesh, đối tác thương mại trọng yếu của Ấn Độ ở Nam Á.

Trong khi đó, tại Sri Lanka, Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc đang cung cấp 85% trong kinh phí dự trù 1 tỉ USD để hiện đại hóa bến cảng Hambantota. Chính quyền của Tổng thống Mahinda Rajapaksa hy vọng bến cảng này sẽ góp phần đưa Hambantota thành khu đô thị lớn thứ hai của nước này, chỉ sau Thủ đô Colombo. Trung Quốc từng đóng góp một phần tài chính cho cuộc chiến chống Những con hổ giải phóng Tamil và việc phong trào này tan rã hồi năm ngoái cũng đã giúp Bắc Kinh có điều kiện làm ăn thuận lợi ở Sri Lanka. Theo tờ The Sunday Times của nước này, Trung Quốc có các dự án xây dựng trị giá tổng cộng 6 tỉ USD ở Sri Lanka, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả Ấn Độ và Nhật Bản.

Tại Pakistan, một trong những công trình do Trung Quốc xây dựng làm Ấn Độ quan ngại nhất là bến cảng Gwadar. Ngoài mục đích phục vụ vận chuyển hàng hóa thương mại, cảng này còn có thể trở thành một trong những căn cứ hải quân chính của Trung Quốc.

“Viên ngọc” cuối cùng ở Nam Á là Nepal, quốc gia mà Trung Quốc cho là đóng vai trò chiến lược trong việc cân bằng ảnh hưởng với Ấn Độ tại khu vực. Nepal muốn hạn chế tình trạng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thương mại và năng lượng từ Ấn Độ nên đang tìm cách ngã sang Trung Quốc. Để tranh thủ sự hậu thuẫn từ Bắc Kinh, trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Nepal Madhav Kumar đã ký thỏa thuận hợp tác bảo đảm an ninh biên giới giữa hai nước nhằm ngăn chặn và bắt giữ các phần tử ly khai ở Tây Tạng chạy sang Nepal lánh nạn.

PHÚC NGUYÊN

Chia sẻ bài viết