Ngày 4-10, CHDCND Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản, buộc giới chức nước này phải cảnh báo người dân tìm chỗ ẩn náu và tạm dừng dịch vụ tàu điện ngầm. Đây là lần đầu sau 5 năm Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản.

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào sáng 4-10. Ảnh: AP
Chính phủ Nhật Bản thông báo tên lửa của Triều Tiên phóng đi sáng 4-10 đã bay qua vùng Đông Bắc Nhật Bản và rơi xuống vùng biển bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Vụ phóng đã dẫn đến việc kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm J-Alert, cảnh báo người dân ở phía Bắc và Đông Bắc Nhật Bản tìm nơi trú ẩn.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết không có thiệt hại hoặc thương tích nào được báo cáo trong vụ phóng mà Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gọi là “một hành động bạo lực”. Hệ thống cảnh báo tên lửa của Nhật Bản đã được kích hoạt vào lúc 7h29 cùng ngày. Vụ phóng đã khiến Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản phải tạm dừng hoạt động ở các khu vực phía Bắc đất nước.
Nhật Bản đã lên án mạnh mẽ vụ phóng trên của Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thì mô tả vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là “liều lĩnh”, đồng thời cảnh báo hành động này sẽ dẫn đến phản ứng “kiên quyết” từ quân đội Hàn Quốc, các đồng minh và cộng đồng quốc tế.
Giới chức tại Tokyo và Seoul cho rằng tên lửa đã bay được 4.500-4.600km với độ cao tối đa khoảng 1.000km. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) nhận định đây dường như là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) được phóng từ tỉnh Jagang. Triều Tiên đã sử dụng tỉnh này để thực hiện một số vụ phóng tên lửa, trong đó có nhiều vũ khí mà Bình Nhưỡng tuyên bố là tên lửa “siêu vượt âm”. Tên lửa Triều Tiên vừa phóng đạt tốc độ gần 21.000km/h trong giai đoạn hồi quyển, gấp 17 lần vận tốc âm thanh.
Tầm bay xa chưa từng thấy
Phía Tokyo cho biết tầm bay 4.600km của tên lửa đạn đạo phóng ngày 4-10 có thể là khoảng cách xa nhất đối với một vụ thử nghiệm vũ khí của Bình Nhưỡng. Trong các vụ thử IRBM và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trước đây, Triều Tiên thường chọn góc phóng cao để giới hạn tầm bắn, tránh để chúng bay qua lãnh thổ những nước láng giềng và hạn chế nguy cơ bị đối phương thu thập dữ liệu.
Chuyên gia Ankit Panda, thuộc Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie có trụ sở tại Mỹ, cho rằng việc bắn tên lửa với tầm bay xa như thế cho phép các nhà khoa học Triều Tiên thử nghiệm các tên lửa trong điều kiện sát với thực tế hơn. Theo cựu quan chức Hải quân Hàn Quốc Kim Dong-yup, thông tin ban đầu của vụ phóng cho thấy đây có thể là tên lửa IRBM Hwasong-12 mà Triều Tiên tiết lộ trong cuộc duyệt binh hồi tháng 4-2017, một phần trong kế hoạch đe dọa tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ tại đảo Guam.
Tokyo không loại trừ bất cứ lựa chọn nào
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho biết Tokyo cân nhắc mọi lựa chọn, bao gồm khả năng phản công, để củng cố năng lực phòng thủ của quốc gia Đông Bắc Á. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) định nghĩa “năng lực phản công” là khả năng các lực lượng nước này tấn công các hệ thống kiểm soát, bộ chỉ huy và căn cứ quân sự của đối phương.
Trong thông báo ngày 4-10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken đã điện đàm với những người đồng cấp Nhật Bản, Hàn Quốc và cả ba ngoại trưởng “cực lực lên án” vụ Triều Tiên phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật. Ngoại trưởng Blinken đã nhấn mạnh cam kết bảo vệ Tokyo và Seoul của Washington vẫn “rất chắc chắn”, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa ba bên nhằm buộc Bình Nhưỡng chịu trách nhiệm cho “hành vi không thể chấp nhận của nước này”.
HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, The Hill)