 |
Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc So Se Pyong trong buổi họp báo hôm 10-7. Ảnh: Reuters |
* Bình Nhưỡng đe dọa tấn công Okinawa
Hôm 10-7, Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân đến khi nào Mỹ “không theo đuổi chính sách thù địch” đối với nước này, nhưng cũng cho biết sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân vốn bị đóng băng kể từ cuối năm 2008.
Phát biểu trong một cuộc họp báo hiếm hoi ở Genève (Thụy Sĩ), ông So Se Pyong cho biết chính quyền Bình Nhưỡng yêu cầu tổ chức các cuộc đàm phán để thay thế hiệp định đình chiến năm 1953 bằng một hiệp ước hòa bình. Ngoài ra, đại sứ Triều Tiên còn lên tiếng kêu gọi giải tán Bộ Tư lệnh LHQ - một lực lượng do Mỹ dẫn đầu đóng tại Hàn Quốc - mà theo ông chỉ là “công cụ chiến tranh tàn khốc chống lại Triều Tiên và để thống trị châu Á”.
Đề cập về việc quay trở lại bàn đàm phán 6 bên (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên), ông So nhấn mạnh Triều Tiên sẵn sàng quay lại bàn đàm phán quốc tế dưới mọi hình thức để hạ nhiệt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và giải quyết mọi vấn đề, đặc biệt liên quan đến an ninh khu vực. Mặt khác, đại sứ Triều Tiên cũng lên tiếng cảnh báo về cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới có khả năng đẩy “Bán đảo Triều Tiên vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng”. Qua đó, ông Se Pyong lần nữa tái khẳng định rằng Bình Nhưỡng có quyền tự vệ với việc xây dựng hệ thống phòng thủ và gia tăng sức mạnh quốc phòng cũng như không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình nếu Mỹ không từ bỏ chính sách thù địch và đe dọa hạt nhân đối với quốc gia này.
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell trong buổi phỏng vấn với tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản cho biết Triều Tiên nên nhận ra rằng phát triển vũ khí hạt nhân chỉ đưa đất nước vào con đường “tự hủy hoại”. Ông cũng cảnh báo rằng Mỹ sẽ “ra tay” ngay lập tức nếu Bình Nhưỡng sử dụng hoặc tiến gần đến ngưỡng vũ khí hạt nhân.
Khi được hỏi về khả năng Nhật Bản sẽ phát triển vũ khí hạt nhân, ông Powell nói ngay rằng điều này “không hợp lý” và ông cũng chưa bao giờ thấy giới chính trị - quốc phòng Nhật có bất kỳ dấu hiệu đề cập đến vấn đề này. Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ, nếu Tokyo muốn tái khẳng định vị thế của mình thì không bao giờ đi theo tiến trình vũ khí hạt nhân. Điều này sẽ có lợi cho liên minh Mỹ - Nhật cũng như tạo đòn bẩy cho nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Trong diễn biến khác, trang tin trực tuyến The Dilopmat hôm 11-7 cho biết cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) Rodong Sinmun trong một bài viết đầu tuần rồi đã “lý giải” hành động “ồ ạt triển khai lực lượng ở Okinawa” của Mỹ là do Washington tin đây là cơ sở không thể thiếu trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á.
Tuy nhiên, tờ báo này cho rằng “Mỹ đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng bởi các căn cứ của nước này trên đảo Okinawa đều dễ lọt vào tầm ngắm trước bất kỳ cuộc tấn công nào. Các nước láng giềng đang dõi theo Okinawa với sự cảnh giác cao độ trước các động thái của Mỹ”.
Theo The Dilopmat, hàm ý của Bình Nhưỡng về “sức mạnh” từ các quốc gia láng giềng quá rõ ràng nhưng đây không phải lần đầu tiên nước này thông qua báo chí để lên tiếng đe dọa các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản. Hồi đầu năm, tờ báo trên cũng từng cảnh báo rằng 3 địa điểm đặt căn cứ Mỹ ở Nhật, gồm Yokosuka, Misawa, Okinawa cùng với đảo Guam là những mục tiêu tiềm năng trong phạm vi tấn công của Triều Tiên nếu xảy ra xung đột.
VI VI (Tổng hợp)
Lầu Năm Góc cảnh báo hậu quả Mỹ cắt giảm chi tiêu quốc phòng
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 10-7 tuyên bố nếu Quốc hội không hành động để ngăn chặn việc cắt giảm 52 tỉ USD ngân sách, Lầu Năm Góc sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp khắc khổ trong tài khóa tới, bao gồm cắt giảm nhân sự và giảm bớt hoạt động mua sắm vũ khí.
Theo Bộ trưởng Hagel, điều này sẽ đẩy nước Mỹ vào tình thế nguy hiểm trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ. Với mức cắt giảm khổng lồ, bộ trên sẽ chỉ có thể đảm bảo đủ ngân sách cho một số chương trình quan trọng, trong khi hàng trăm chương trình quân sự còn lại sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu tài chính.
Năm 2012, Tổng thống Obama đã đạt được thỏa thuận với Quốc hội cắt giảm 487 tỉ USD chi tiêu quốc phòng trong 10 năm theo Đạo luật Kiểm soát Ngân sách năm 2011. Quyết định trên nhằm tạo điều kiện cho Nhà Trắng và Quốc hội thương lượng tìm ra giải pháp cho vấn đề cắt giảm chi tiêu chính phủ. Tuy nhiên, do Tổng thống Obama và Quốc hội không thể đạt được đồng thuận về phương án tiết kiệm, trong 10 năm tới, chi tiêu quốc phòng của Mỹ sẽ phải tự động cắt giảm thêm 500 tỉ USD. |