01/02/2024 - 09:30

Tranh cãi việc Mỹ tạm dừng xuất khẩu LNG 

Phản đối quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tạm dừng phê duyệt dự án xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới, các cựu quan chức đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa cảnh báo động thái này có thể tổn thương đồng minh và làm suy yếu vị thế của Washington với tư cách nhà sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới.

Một con tàu đang cập cảng nhà máy LNG ở Louisiana, Mỹ. Ảnh: Nikkei

Sau khi vượt qua Úc và Qatar vào năm ngoái, Mỹ hiện là quốc gia xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Với 7 cơ sở khai thác và 5 cơ sở đang xây dựng, công suất xuất khẩu LNG của Mỹ dự kiến được đẩy lên gần gấp đôi vào năm 2030. Ngoài ra còn có 17 dự án đang chờ được phê duyệt. Nhưng trong thông báo tuần rồi, Nhà Trắng cho biết sẽ tạm ngừng cấp phép cho các cơ sở xuất khẩu LNG mới sang những quốc gia không có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Washington. Trừ trường hợp khẩn cấp về an ninh quốc gia, quyết định này được duy trì đến khi Bộ Năng lượng (DOE) cập nhật đánh giá về tác động của các dự án đối với kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, mục đích việc tạm ngừng còn vì củng cố nỗ lực kiểm soát biến đổi khí hậu khi Tổng thống Biden kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Đây là chiến thắng cho các nhà hoạt động môi trường, vốn coi sự bùng nổ xuất khẩu LNG là không phù hợp với cam kết về khí hậu của Mỹ và gây bất lợi cho phát triển năng lượng tái tạo. Nhiều ngành công nghiệp trong nước từ hóa chất, thép, thực phẩm và nông nghiệp cũng phản đối xuất khẩu khí đốt không hạn chế của Mỹ do lo ngại rủi ro về giá nhiên liệu và độ tin cậy. Ngược lại, các tổ chức đại diện thương mại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản trong lá thư phản đối đã kêu gọi Nhà Trắng xem xét lại quyết định trên. Không tham gia FTA với Mỹ nên Nhật Bản cùng Liên minh châu Âu (EU) được dự đoán là bên bị ảnh hưởng lớn bởi họ đang phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu LNG từ xứ cờ hoa để đảm bảo an ninh năng lượng.

Tại phiên điều trần trước ủy ban đặc biệt của Hạ viện Mỹ về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta khẳng định cung cấp LNG cho đồng minh là rất quan trọng trong bối cảnh nhiều nước đã “quay lưng” với năng lượng Nga để sát cánh bên Washington ủng hộ Ukraine. Trong cùng phiên điều trần, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo chỉ trích việc tạm dừng sản xuất hoặc xuất khẩu LNG là “sai lầm lớn” vì sẽ tạo ra khoảng trống trong ngành. Ngược lại, Mỹ có thể duy trì vị thế nhà cung cấp quan trọng bằng cách tác động đến giá cả thông qua tăng giảm nguồn cung. Ông Pompeo còn đề cập việc Saudi Arabia vừa gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), qua đó cảnh báo các liên minh do Trung Quốc lãnh đạo sẽ ngày càng lớn mạnh khi đồng minh không còn tin tưởng Washington sát cánh cùng họ. Trong đòn giáng vào nỗ lực tranh cử của Tổng thống Biden, Saudi Arabia cũng vừa cho biết họ từ bỏ kế hoạch tăng công suất sản xuất dầu thô tối đa lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei)

 

Chia sẻ bài viết