24/02/2020 - 19:18

Tổng thống Mỹ thăm Ấn Độ 

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ có cuộc hội đàm chính thức vào hôm nay (25-2) nhân chuyến công du đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng tới quốc gia Nam Á kể từ khi nhậm chức.

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược

Đây là cuộc gặp thứ 5 giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi trong vòng 8 tháng và được ví như “biểu tượng” về tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Theo giới phân tích, Mỹ có quan hệ gần gũi hơn với Ấn Độ trong những năm gần đây và ngày càng được thúc đẩy dưới thời ông Trump. Do đó, chuyến thăm của chủ nhân Nhà Trắng tiếp tục là cơ hội để hai bên củng cố quan hệ đối tác chiến lược trong một loạt vấn đề song phương lẫn khu vực bao gồm thương mại-đầu tư, quốc phòng-an ninh, chống khủng bố, tự do tôn giáo, giao lưu nhân dân, thỏa thuận hòa bình được đề xuất với Taliban ở Afghanistan và tình hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tổng thống Trump (trái) và Thủ tướng Modi. Ảnh: twitter.com/narendramodi

Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng “Trung Quốc” có thể không được nhắc đến trong bất kỳ tuyên bố chính thức nào nhưng mối quan tâm về ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh sẽ là vấn đề hàng đầu trong các cuộc thảo luận. Trong đó, đối phó thách thức từ sự trỗi dậy của cường quốc châu Á vẫn là mục tiêu chính giúp củng cố liên minh chiến lược Mỹ-Ấn.

Cải thiện hình ảnh với cử tri

Ngoài những vấn đề trọng tâm, cuộc gặp Trump-Modi còn được nhắc đến như nỗ lực của hai nhà lãnh đạo nhằm nâng cao hình ảnh với cử tri trong nước. Đối với chiến dịch tranh cử của ông Trump, chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trước tin Ấn Độ chi nhiều triệu USD tân trang cảnh quan cùng nhiều chương trình tiếp đón hoành tráng dành Tổng thống Mỹ. Hình ảnh tích cực cùng khả năng đạt bất kỳ thỏa thuận thương mại, quốc phòng nào với Ấn Độ sẽ là cơ hội để chiến dịch tái tranh cử của ông Trump “làm nóng” khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” khi có nhiều cuộc thăm dò cho thấy cường quốc số 1 thế giới đang đánh mất sự tôn trọng của quốc tế. Đội ngũ cố vấn tổng thống đồng thời hy vọng nỗ lực tiếp cận New Delhi có thể thu hút thêm nhiều cử tri trong số khoảng 4,5 triệu người gốc Ấn đang sinh sống ở Mỹ. Là lực lượng chính trị đang phát triển, nhưng khảo sát cho biết chỉ 16% cử tri Mỹ gốc Ấn bỏ phiếu cho ông Trump hồi năm 2016.

Về phía Ấn Độ, duy trì quan hệ thân mật và chia sẻ nhiều quan điểm với Tổng thống Mỹ là tiền đề giúp Thủ tướng Modi tăng thêm vị thế trong mắt cử tri khó tính. Đồng thời, sự ủng hộ của ông Trump sẽ được coi như sự công nhận “ngầm” của Washington đối với các sách lược hiện tại của chính quyền Modi vốn bị giới phê bình chỉ trích đẩy Ấn Độ rời xa nền dân chủ thế tục, hướng tới chủ nghĩa dân tộc Hindu.

Chính trị tính cách

Nói với AFP, Michael Kugelman thuộc Trung tâm Wilson trụ sở ở Washington cho rằng quan hệ giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi là ví dụ cho cái gọi là “chính trị tính cách” vốn đang trở thành một phần của ngoại giao quốc tế hiện đại. Tuy khác nhau về bối cảnh xuất thân, Tổng thống Trump lớn lên trong gia đình tài phiệt còn Thủ tướng Modi xuất thân là một người bán trà, nhưng giới phân tích cho rằng cả hai chia sẻ tầm nhìn chung được phe cánh hữu trong nước ủng hộ. Nổi bật là chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ thương mại khi Tổng thống Trump theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết” còn Thủ tướng Modi là chương trình “Sản xuất ở Ấn Độ”. Đây cũng là nền tảng gắn kết hai nhà lãnh đạo, từ đó thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia.

MAI QUYÊN (Theo BBC, ABC News)

Chia sẻ bài viết