09/09/2011 - 09:18

Tìm "tâm thế khẩn cấp"

Hôm nay 9-9, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7- gồm Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Ý và Canada) sẽ bắt đầu cuộc họp hai ngày tại thành phố Marseille của Pháp. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang vật vã trong cơn khủng hoảng với nhiều dấu hiệu bất ổn mới. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick vừa cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào “vùng nguy hiểm” mới vào mùa thu năm nay, trong lúc thế giới vẫn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng ở châu Âu và Mỹ.

Nhiều nguồn tin cho biết Mỹ và Nhật Bản sẽ áp dụng các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong khi châu Âu sẽ tập trung vào chống đỡ lĩnh vực tài chính và giải quyết các vấn đề nợ công của họ. Theo hãng tin Pháp AFP, cuộc họp các bộ trưởng G7 tại Pháp lần này sẽ hướng trọng tâm chính vào việc thảo luận các biện pháp giúp vực dậy niềm tin tại khu vực châu Âu, bao gồm cả việc tái cấp vốn cho các ngân hàng nếu cần thiết. Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói: “Ưu tiên hàng đầu và quan trọng nhất đối với khu vực châu Âu là xử lý dứt điểm các vấn đề căng thẳng về nợ công và tài chính. Đó sẽ là đóng góp quan trọng nhất cho hồi phục kinh tế toàn cầu mà họ có thể tạo ra ở thời điểm hiện tại và tôi nghĩ đó là nhiệm vụ cần chú trọng”.

Cuộc họp của nhóm G7 diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo một kế hoạch mới giúp gia tăng việc làm trước Quốc hội Mỹ. Kế hoạch về việc làm của ông Obama cũng sẽ được thảo luận trong cuộc họp của nhóm G7 và Mỹ sẽ đưa ra luận điểm rằng điều quan trọng đối với Mỹ là duy trì hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho nền kinh tế của họ vì tăng trưởng mạnh hơn sẽ giúp họ đạt được các mục tiêu củng cố tài chính trung hạn. Hãng tin Mỹ CNN dẫn lời một quan chức Mỹ nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục bàn bạc về các mục tiêu kép mà chúng tôi cho rằng hoàn toàn nhất quán với nhau, xem xét tới tầm quan trọng của tăng trưởng trong việc đạt được các mục tiêu tài chính. Vì thế, sẽ có một chu kỳ phản hồi rất quan trọng từ tăng trưởng tới khả năng bền vững tài chính mà chúng tôi nghĩ sẽ hỗ trợ cho các kế hoạch hiện tại của tổng thống”. Vị quan chức này cũng kêu gọi Trung Quốc hỗ trợ trong việc duy trì tăng trưởng toàn cầu bằng cách nâng cao hơn giá trị tiền tệ của họ và cho rằng nhóm sẽ thảo luận về những dao động tiền tệ và sẽ tiếp tục bàn bạc để giải quyết các xu hướng tiền tệ đang méo mó.

Ngoài ra, trong chương trình nghị sự của cuộc họp G7 lần này cũng đề cập tới những nỗ lực để phục hồi kinh tế Nhật Bản sau thảm họa kép động đất - sóng thần và cách thức hỗ trợ các nền kinh tế ở Trung Đông và Bắc Phi sau những biến động chính trị thời gian gần đây.

Gavin Friend, một chiến lược gia trong lĩnh vực ngân hàng ở Anh, cho rằng cuộc họp cấp bộ trưởng G7 dường như không thể đưa ra một kế hoạch lớn, nhưng dư luận vẫn đặt rất nhiều kỳ vọng vào hội nghị này, chí ít là một tuyên bố chung có trọng lượng, thể hiện cái mà hãng tin Anh Reuters cho là “tâm thế khẩn cấp” của các nhà hoạch định chính sách cùng đối phó cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính hiện nay.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết