16/06/2020 - 06:21

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Ngày 15-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước. Nội dung này đã được Quốc hội cho ý kiến trong cả ngày 13-6.

Trong ngày thảo luận đầu tiên, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhất là đánh giá về công tác điều hành, quản lý nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nhiều kiến nghị về giải pháp khôi phục kinh tế

Bàn về các giải pháp, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020, các đại biểu cơ bản đồng tình với 9 nhóm giải pháp được nêu trong Báo cáo của Chính phủ nhằm khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 trong việc phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Cho rằng Việt Nam có quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chỉ có 17 nền kinh tế là đối tác quan trọng nhất, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 17 quốc gia và vùng lãnh thổ này quyết định 90% giá trị đầu tư nước ngoài, 80% giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch Việt Nam. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nước này theo lộ trình thỏa thuận hai bên một cách thận trọng. Hiện nay, theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, có cơ sở triển khai việc này, vì từ tháng 5-6 năm nay, 10/17 nước, vùng lãnh thổ này sẽ không còn dịch, ở tiêu chí dưới 10.000 người đang điều trị/1 triệu dân. Đó là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hongkong (Trung Quốc), Đức, Australia, Samoa, bán đảo Virginia của Anh.

“Như vậy, chúng ta cần phân công cụ thể để lập lộ trình mở cửa với 10 nước, vùng lãnh thổ này, còn 7 nước khác hiện nay chưa đến giai đoạn an toàn là Ấn Độ, Mỹ, Nga, Singapore, Hà Lan, Indonesia, Malaysia thì theo dõi, để khi họ có điều kiện thiết lập ngay”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm.

Tranh luận với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng phải hết sức cẩn trọng trong quá trình khôi phục nền kinh tế vì hiện nay Việt Nam vẫn đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch.

Theo đại biểu, cần tiến hành các biện pháp để khẳng định nguy cơ bùng phát dịch ở Việt Nam không thể dữ dội như các nước khác. Quy trình nhập cảnh của khách quốc tế vào Việt Nam phải hết sức chặt chẽ, tuân theo các quy định như kiểm dịch, phối hợp với các nước bạn để thực hiện xét nghiệm kháng thể cho khách muốn nhập cảnh, kiểm tra nhanh khi nhập cảnh.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đã nêu ba nội dung đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm. Theo đó, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, cần tạo điều kiện tối đa cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thời gian qua, với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài. “Thiết nghĩ chúng ta đang “dọn tổ đón đại bàng” cũng nên “rắc thóc cho chào mào, chim sẻ” để thực sự có công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước, góp phần nhanh chóng khôi phục nền kinh tế.

Cùng với đó, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ, khi xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng, chính sách xã hội, cần tính toán, bố trí đủ nguồn lực và nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để kịp thời triển khai thực hiện, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của chương trình; mở rộng đối tượng thụ hưởng của các chương trình cho vay; cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách ưu đãi tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa 5 năm.

Các dự án phát triển giao thông ở ĐBSCL

Phát biểu về phát triển tình hình phát triển giao thông vận tải thời gian tới ở tất cả các vùng miền, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Với ĐBSCL, hiện nay, Bộ đang tập trung cùng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, ưu tiên cho hai đường vành đai: Vành đai 3, Vành đai 4 kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh.

Về trục dọc, ngành tập trung cho đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau; đường từ Củ Chi xuống Kiên Giang; nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 60, cầu Rạch Miễu, cầu Cao Lãnh. Riêng với các trục ngang của ĐBSCL, ngành đang nghiên cứu 4 dự án gồm: quốc lộ 622; quốc lộ 30 kết nối Đồng Tháp với Trà Vinh; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ và Sóc Trăng, đi song song với quốc lộ 91; cao tốc từ Kiên Giang qua Bạc Liêu. Bộ sẽ báo cáo tất cả các dự án này với Chính phủ, Quốc hội để xem xét cho chủ trương.

Cũng tại Phiên thảo luận tại Hội trường sáng 15-6, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã giải trình trước Quốc hội một số nội dung về nền tư pháp, vụ án “buôn lậu gỗ trắc” ở Quảng Trị và đặc biệt là vụ án Hồ Duy Hải.

Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thông tin về vấn đề hợp tác quốc tế về nước ở lưu vực sông Mekong, những vấn đề đặt ra đối với an ninh tài nguyên nước ở Việt Nam, vấn đề bảo vệ môi trường…

TTXVN

Chia sẻ bài viết