16/05/2020 - 21:30

Thương chiến Mỹ - Trung thêm kịch tính 

Bộ Thương mại Mỹ vừa đưa ra quy định xuất khẩu mới nhằm ngăn cản các công ty sản xuất chíp toàn cầu sử dụng công nghệ và phần mềm Mỹ cung cấp chất bán dẫn cho tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc. Mục tiêu của Mỹ được cho là làm chậm tham vọng phát triển mạng 5G khắp thế giới của Huawei.

Tập đoàn Huawei bị Mỹ cáo buộc ăn cắp bí mật công nghệ. Ảnh: AFP

Theo quy định mới, các nhà sản xuất chip trên thế giới vốn sử dụng công nghệ và phần mềm của Mỹ phải xin giấy phép của chính quyền Mỹ trước khi cung cấp chất bán dẫn cho Huawei. Bản thân Huawei cũng phải xin phép Bộ Thương mại Mỹ nếu muốn nhận hoặc sử dụng các thiết kế bán dẫn liên quan đến các công nghệ và phần mềm của Mỹ. Những sản phẩm đang được sản xuất cho Huawei sẽ được chuyển cho công ty này nếu hoàn thành trong vòng 120 ngày tính từ ngày 15-5. Các sản phẩm bắt đầu sản xuất sau 15-5 sẽ phải tuân theo quy định mới.

Cuộc chiến phi thuế quan

  Chất bán dẫn, dùng sản xuất chip, được Huawei sử dụng trong sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông. Tháng 5-2019, Huawei bị Mỹ liệt vào “danh sách đen” kinh tế đe dọa an ninh quốc gia và khi đó công ty này được coi là trung tâm trong cuộc chiến giành quyền thống trị công nghệ toàn cầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất và nhì thế giới.

   Mỹ cấm Huawei cung cấp dịch vụ cho các hệ thống của Chính phủ Mỹ đồng thời khuyến cáo các lĩnh vực tư nhân không sử dụng thiết bị của Huawei. Tuy nhiên, Huawei vẫn tiếp tục sử dụng công nghệ và phần mềm Mỹ để thiết kế chất bán dẫn. Doanh thu của “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc tăng trưởng tuy chậm nhưng vẫn đạt mức kỷ lục 121 tỉ USD năm 2019. Huawei đã vượt qua tập đoàn Apple của Mỹ trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, sau Samsung. Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc Huawei đã lợi dụng lỗ hổng kỹ thuật trong chính sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ thông qua các nhà sản xuất dễ dãi ở nước ngoài, từ đó tiếp nhận chất bán dẫn vốn là sản phẩm trực tiếp từ công nghệ và phầm mềm của các công ty Mỹ.

Quyết định mới của Washington được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang cực kỳ căng thẳng trên nhiều mặt trận, bao gồm các vấn đề liên quan đến dịch bệnh COVID-19 và thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 không được thực thi nghiêm túc. Vì thế, động thái trên được đánh giá là làm tăng kịch tính căng thẳng giữa hai địch thủ.

   Sau thông báo của Bộ Thương mại Mỹ sáng 15-5, Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đã có bài xã luận cảnh báo việc Washington tăng cường ngăn chặn nguồn cung ứng công nghệ then chốt của Huawei sẽ buộc Bắc Kinh kích hoạt biện pháp trả đũa đối với các công ty công nghệ Mỹ như  Qualcomm, Cisco và Apple, hay đình chỉ mua máy bay Boeing…

Báo chí Mỹ nhận định nỗ lực mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump là một cuộc chiến phi thuế quan nhưng sẽ tác động mạnh mẽ đến hợp tác kinh tế, đầu tư và phát triển thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Có thể coi đây là kỷ nguyên mới trong thương chiến Mỹ-Trung được khơi mào từ tháng 3-2018.

 Mục tiêu lớn của Mỹ

Theo giới phân tích, cuộc chiến công nghệ của Mỹ là mục tiêu chiến lược ngăn chặn tham vọng phát triển mạng 5G của Huawei. Huawei hiện là nhà sản xuất thiết bị viễn thông, nhà cung cấp thiết bị 5G lớn nhất thế giới. Trong khi đó, không có quốc gia nào hiện tiệm cận với Trung Quốc về vốn đầu tư và cơ sở hạ tầng 5G. Nước này đã đạt doanh thu 170 tỉ USD cho các hợp đồng xây dựng mạng lưới 5G trong 5 năm tới. Dự kiến đến cuối năm nay, Trung Quốc có 620.000 trạm phát sóng 5G, qua đó giúp nâng cao hiệu quả hệ thống lưới điện thông minh, xe tự hành, vũ khí tự động và phẫu thuật bằng robot. Trong thời gian dịch COVID-19, Trung Quốc đã sử dụng hạ tầng 5G để cung cấp năng lượng siêu âm cho robot điều trị bệnh nhân và xe tự hành làm sạch đường phố Vũ Hán.

Trong khi đó, mạng 5G tại Mỹ chủ yếu phát triển ở các đô thị và sân vận động do thiếu nơi đặt hệ thống sóng vô tuyến nhận tín hiệu. Thế nên, Bộ Thương mại Mỹ cũng vừa gia hạn cho các công ty Mỹ tiếp tục hợp tác với Huawei phát triển mạng lưới không dây ở các vùng nông thôn. Đứng sau trong lĩnh vực 5G là nỗi lo của chính quyền Trump. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr từng mô tả sự thống trị của Trung Quốc đối với mạng lưới viễn thông 5G là một trong những đe dọa an ninh quốc gia và kinh tế hàng đầu của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ không dẫn đầu thế giới kỷ nguyên công nghệ mới.

Chính phủ Mỹ nhiều lần thúc giục các nước đồng minh không sử dụng mạng 5G của Huawei nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Mỹ cho rằng các thiết bị 5G của Huawei có thể bị Trung Quốc sử dụng trong do thám. Một số nước hưởng ứng cảnh báo Mỹ nhưng cũng có nước phớt lờ. Tuy nhiên, bản thân chính quyền Mỹ cũng đang phải tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Huawei, trong đó tiềm năng là các công ty thiết bị châu Âu như Nokia, Ericsson. 

Trong tuyên bố ngày 16-5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hối thúc Mỹ chấm dứt “sự cấm đoán vô lý đối với tập đoàn Huawei và các doanh nghiệp Trung Quốc”. Tuyên bố cho rằng các hành động của chính quyền Trump “hủy hoại nền sản xuất, chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu”.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết