11/04/2025 - 09:47

Thương chiến Mỹ - Trung bùng nổ 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ quyết định tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với tất cả các đối tác thương mại không trả đũa Mỹ, ngoài Trung Quốc. Động thái này gây chấn động thế giới không kém lúc ông Trump thông báo thực thi thuế đối ứng không có ngoại lệ, khiến thị trường tài chính toàn cầu đảo chiều ngoạn mục.

Tổng thống Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản hồi tháng 6-2019. Ảnh: Reuters

Sự đảo ngược đáng kinh ngạc

Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social chiều 9-4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Trump viết: “Dựa trên thực tế là hơn 75 quốc gia đã liên hệ với các đại diện của Mỹ, bao gồm các Bộ Thương mại, Tài chính và Ðại diện Thương mại Mỹ (USTR), để đàm phán giải pháp cho các vấn đề liên quan đến thương mại, rào cản thương mại, thuế quan, thao túng tiền tệ và thuế quan phi tiền tệ, và các quốc gia này đã không có bất kỳ hình thức trả đũa nào đối với Mỹ, tôi đã cho phép tạm dừng 90 ngày và giảm đáng kể thuế đối ứng xuống 10% trong giai đoạn này, với hiệu lực ngay lập tức”. Tuy nhiên, ông Trump cho biết thuế đối với Trung Quốc giờ đây sẽ tăng lên tổng cộng 125% và có hiệu lực ngay lập tức, sau khi Bắc Kinh đáp trả đợt tăng thuế mới của Washington.

Tổng thống Trump bất ngờ đưa ra quyết định trên trong bối cảnh ngày càng có nhiều đồng minh và các lãnh đạo doanh nghiệp lên tiếng phản đối thuế quan, bao gồm cả tỉ phú Elon Musk vốn được xem là nhân vật thân cận của ông chủ Nhà Trắng. Dư luận báo chí Mỹ cũng đánh giá việc Tổng thống Trump tạm dừng áp thuế đối ứng chỉ vài giờ sau khi có hiệu lực là “sự đảo ngược đáng kinh ngạc” từ Nhà Trắng sau nhiều ngày biến động dữ dội trên thị trường Phố Wall.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent giải thích các mức thuế được Tổng thống Trump công bố một tuần trước đóng vai trò là “chất xúc tác” để kéo các nước đến bàn đàm phán. Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick - người đóng vai trò nổi bật trong việc giúp ông Trump soạn thảo thông điệp về thuế quan - viết: “Thế giới sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Trump để sửa chữa thương mại toàn cầu”.

Phản ứng trước những hoài nghi về việc thay đổi chính sách thuế đối ứng của mình, Tổng thống Trump nói với các phóng viên ngay tại Nhà Trắng hôm 9-4 rằng chính quyền của ông “phải linh hoạt” và cho rằng thị trường đang “hơi hoảng loạn”.

Quả thật, sau các thông điệp thay đổi đột ngột của chính quyền Trump, thị trường chứng khoán Mỹ “phục sinh” ngoạn mục. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9-4, chỉ số Dow Jones tăng 7,9% lên 40.608,45 điểm, S&P 500 tăng 9,5% lên 5.456,90 điểm và Nasdaq tăng 12,2% - mức tăng cao nhất trong 24 năm qua.

Sau thị trường Mỹ, chứng khoán châu Á cũng phục hồi mạnh mẽ ngay khi mở phiên giao ngày 10-4.

Mỹ - Trung vẫn còn cơ hội đàm phán?

Trước khi Tổng thống Trump thông báo hoãn áp thuế quan trên, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố biện pháp đáp trả đợt áp thuế mới nhất lên tới 104% của Mỹ bằng cách áp thuế 84% đối với hàng hóa của nước này từ ngày 10-4, tăng so với mức 34% đã công bố trước đó.

Phản ứng hành động đáp trả của Trung Quốc trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Fox Business, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho rằng tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước quá lớn đến mức thuế quan 84% của Trung Quốc đối với hàng hóa của Mỹ sẽ có tác động “tương đối nhỏ”. Cụ thể, lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cao gấp 5 lần lượng hàng ở chiều ngược lại, do đó, ảnh hưởng từ việc tăng thuế quan không đáng ngại. Năm 2024, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc số hàng hóa có giá trị 438 tỉ USD, ngược lại, xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc khoảng 143 tỉ USD.

Ngoài áp thuế đáp trả, Trung Quốc còn có một loạt động thái khác như ngừng hợp tác trong các chương trình liên quan kiểm soát việc kinh doanh trái phép liên quan chất fentanyl; hạn chế nhập khẩu nông sản; áp đặt các hạn chế đối với nhập khẩu gia cầm; hạn chế các dịch vụ của Mỹ tại Trung Quốc như dịch vụ thiết kế, tư vấn, tài chính và pháp lý; cấm phim Mỹ; bán trái phiếu kho bạc Mỹ; mở cuộc điều tra về các hoạt động sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ; hạn chế xuất khẩu đất hiếm và pin…

Theo giới phân tích, những động thái trên cho thấy Bắc Kinh đã chuẩn bị cho việc phân tách quan hệ thương mại với Washington từ nhiều năm qua sau khi trải nghiệm thương chiến lần đầu với Mỹ năm 2018. Ngoài ra, Trung Quốc đã đa dạng hóa thị trường khi tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này vào Mỹ hiện còn khoảng 14% so với mức 20% cách đây 7 năm.

Dẫu vậy, Sách Trắng mới về quan hệ kinh tế và thương mại Trung - Mỹ do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố ngày 9-4 nhấn mạnh hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về bản chất là cùng thắng, cùng mang lại lợi ích cho cả hai bên, trong khi đối đầu sẽ gây thiệt hại cho hai phía.

Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng hôm 9-4, Tổng thống Trump một lần nữa cũng đã gửi thông điệp đàm phán cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bằng những lời lẽ xoa dịu: “Tôi nghĩ Chủ tịch Tập là người biết chính xác những gì cần phải làm. Ông ấy là người rất thông minh. Ông ấy yêu đất nước của mình. Tôi biết điều đó. Tôi biết ông ấy rất rõ. Và tôi nghĩ ông ấy sẽ muốn thực hiện một thỏa thuận. Tôi nghĩ điều đó sẽ xảy ra. Chúng tôi sẽ nhận được một cuộc gọi điện thoại vào một thời điểm nào đó, và mọi thứ sẽ sẵn sàng”.

Rõ ràng, cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tránh một cuộc thương chiến gây tổn hại lớn và đưa ra tín hiệu đàm phán. Nhưng các hành động thực tế nhằm thể hiện thiện chí nhượng bộ là vấn đề khó dự đoán trong quan hệ “đã hiểu biết lẫn nhau” giữa ông Trump và ông Tập.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết