17/07/2010 - 09:09

Thực hư vụ nhà khoa học hạt nhân Iran "mất tích"

Hình ảnh Amiri hạnh phúc cùng vợ con tại sân bay Imam Khomeini được phát nhiều lần trên các kênh truyền hình quốc gia Iran. Ảnh: Reuters 

Theo báo Wall Street Journal của Mỹ ngày 16-7, nhà nghiên cứu hạt nhân Iran Sharam Amiri đã về đến Tehran một ngày trước đó, bất chấp những nỗ lực của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thuyết phục anh ta ở lại.

Xung quanh vụ này, Washington khẳng định Amiri đã “đào tẩu” tới Mỹ khoảng 1 năm trước và cung cấp các thông tin có giá trị về chương trình hạt nhân Iran. Đổi lại, anh này được trao cơ hội định cư và 5 triệu USD để tạo lập cuộc sống mới. Các quan chức CIA cũng từng cảnh báo Amiri có thể đối mặt với án tử hình nếu trở về Iran.

Trong khi đó, Tehran xem Amiri là nạn nhân của tình báo Mỹ. Sau khi Amiri mất tích ở Arabie Séoudite hồi tháng 6-2009, Iran lập tức tuyên bố anh ta đã bị CIA bắt cóc, một cáo buộc mà Mỹ thẳng thừng bác bỏ.

Về phần mình, phát biểu với báo giới khi về tới Tehran, Amiri cho biết đã được đề nghị nhận tới 50 triệu USD, chứ không phải 5 triệu USD, cùng cơ hội định cư ở phương Tây. Ngoài ra, Amiri sẽ được nhận thêm 10 triệu USD nữa nếu đồng ý phát biểu trên kênh truyền hình CNN rằng anh tới Mỹ để xin tị nạn.

Amiri còn khẳng định mình đã bị CIA và tình báo Arabie Séoudite bắt và tra tấn trong 14 tháng ở Mỹ để khai ra chương trình hạt nhân của Iran (và dĩ nhiên là anh ta không khai). Theo lời Amiri, các nhân viên tình báo Mỹ dọa sẽ chuyển anh tới nhà tù Do Thái nếu từ chối hợp tác, và thực tế là các nhân viên mật vụ Israel từng xuất hiện khi anh bị thẩm tra. Amiri cũng phủ nhận tin nói rằng chính quyền Iran đã cảnh báo anh phải trở về nước hoặc tính mạng vợ con bị đe dọa. Phát biểu với báo giới, Amiri dường như tìm cách làm giảm vai trò của mình trong chương trình hạt nhân Iran khi nói rằng bản thân chỉ là nhà nghiên cứu bình thường, không liên quan tới bất kỳ công việc bí mật nào và cũng không có thông tin mật.

Trong khi đó, một quan chức Mỹ gọi những tuyên bố trên của Amiri là “buồn cười” và bịa đặt, bởi 5 triệu USD là khoản tiền tối đa chi trả cho những người nước ngoài cung cấp thông tin mật cho CIA. Theo các quan chức Mỹ, sau khi tới Arizona, Amiri bắt đầu nghiên cứu tại một trường đại học ở Tucson. Đó là điều phổ biến đối với những người đào tẩu, muốn định cư và có cuộc sống bình thường ở Mỹ. Các quan chức Mỹ khẳng định Amiri đã kể với CIA chi tiết về phương cách một trường đại học ở Tehran trở thành bức bình phong che đậy những nỗ lực hạt nhân của Iran. Và Amiri đã làm việc cho CIA nhiều năm trước khi sang Mỹ. Họ còn đánh giá những thông tin Amiri cung cấp là “quan trọng, chính gốc” về những khía cạnh bí mật trong chương trình hạt nhân Iran.

Vẫn còn nhiều bí mật xung quanh câu chuyện liệu Amiri thật sự bị bắt cóc rồi được thả hay anh ta đào tẩu rồi sau đó hối hận? Một giả thiết khác cho rằng đây là “chiêu” của Tehran nhằm cung cấp thông tin sai cho CIA để đo lường mức độ hiểu biết của họ về chương trình hạt nhân của Iran.

N. MINH (Theo WSJ, NYT, Guardian)

Chia sẻ bài viết