24/09/2022 - 22:44

Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hiệp Quốc 

Ngày 23-9 (giờ New York), bên lề Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) khóa 77, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã chủ trì Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam và 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ (20/9/1977 - 20/9/2022) với sự tham dự của đại diện LHQ, lãnh đạo, bộ trưởng, đại diện các quốc gia thành viên; có các cuộc tiếp xúc với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Csaba Korosi.

Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho LHQ

Các đại biểu tham dự thực hiện nghi thức hát quốc ca Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam và 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ (20/9/1977-20/9/2022). Ảnh: VGP

Các đại biểu tham dự thực hiện nghi thức hát quốc ca Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam và 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ (20/9/1977-20/9/2022). Ảnh: VGP

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng tự hào chia sẻ về chặng đường phát triển đất nước hơn 7 thập kỷ qua cũng như những đóng góp nổi bật của Việt Nam kể từ khi trở thành thành viên thứ 149 của LHQ vào ngày 20-9-1977.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự tương đồng về những giá trị và nguyên tắc quan trọng đã tạo nền tảng cho quan hệ hợp tác, đối tác giữa Việt Nam và LHQ. Những giá trị mà LHQ thúc đẩy cũng chính là những giá trị mà nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ đã chiến đấu và hy sinh xương máu để bảo vệ - đó là hòa bình, độc lập dân tộc và công lý.

Điểm lại chặng đường đã qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh những thành tựu to lớn đã tạo nên diện mạo và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày nay. Từ một nước bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã trở thành một thị trường năng động với gần 100 triệu dân, là điểm đến của các nhà đầu tư lớn từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ và hàng triệu du khách quốc tế. Việt Nam ngày nay là bạn, là đối tác tin cậy của các nước và là thành viên của các tổ chức quốc tế quan trọng. Từ một nước tiếp nhận viện trợ, Việt Nam ngày nay là một nhân tố đóng góp cho hòa bình và phát triển trên thế giới, đi tiên phong trong các nỗ lực cải tổ hệ thống phát triển LHQ, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ở nhiều địa bàn, cũng như tham gia Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền với nhiều dấu ấn quan trọng, góp phần thúc đẩy quan tâm và lợi ích của các nước đang phát triển.

Trong bối cảnh quốc tế đầy biến động khó lường, Phó Thủ tướng một lần nữa khẳng định vai trò thiết yếu của đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương, với LHQ ở vị trí trung tâm. Phó Thủ tướng cũng khẳng định sự ủng hộ và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với vai trò của LHQ trong việc dẫn dắt, điều phối các nỗ lực đa phương nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu. Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn bạn bè quốc tế sẽ ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 để Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho công việc của LHQ trong một sứ mệnh quan trọng là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.

LHQ sẽ hỗ trợ các ưu tiên phát triển của Việt Nam

Tại cuộc tiếp xúc với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh bày tỏ tình cảm chân thành và sự tri ân sâu sắc của Việt Nam tới LHQ - người bạn, đối tác tin cậy luôn đồng hành với Việt Nam qua các giai đoạn phát triển, cũng như tới cá nhân Tổng Thư ký Guterres.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương và vai trò trung tâm của LHQ trong quản trị toàn cầu và điều phối các nỗ lực, giải quyết các thách thức chung; cho rằng cần nỗ lực xây dựng LHQ hoạt động hiệu quả hơn nữa và với đầy đủ nguồn lực để đáp ứng tốt nhất nhu cầu và mong mỏi của các quốc gia thành viên. Phó Thủ tướng tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc cùng các nước thành viên và lãnh đạo LHQ thúc đẩy các chương trình nghị sự chung quan trọng, từ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững cho đến gìn giữ hòa bình tại các khu vực trên thế giới. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc Việt Nam đang tích cực triển khai cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) về đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đề nghị LHQ hỗ trợ tích cực trong quá trình xây dựng Quan hệ Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Về phần mình, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ những tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam, ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và đánh giá cao những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong thời gian qua đối với công việc chung của LHQ. Tổng Thư ký khẳng định LHQ sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các ưu tiên phát triển của Việt Nam theo hướng xanh, bền vững, chuyển đổi công bằng, nhất là về khả năng tiếp cận tài chính; đồng thời kỳ vọng Việt Nam phát huy mạnh mẽ vai trò hơn nữa, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Tại cuộc gặp Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 Csaba Korosi, Phó Thủ tướng đánh giá cao lựa chọn chủ đề khóa họp và các ưu tiên của ông Korosi, đồng thời khẳng định Việt Nam, với tư cách Phó Chủ tịch Đại hội đồng, sẽ hỗ trợ tích cực và đóng góp cho thành công của khóa họp.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Csaba Korosi khẳng định LHQ trân trọng những đóng góp của Việt Nam, cảm ơn vai trò tích cực của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), cho rằng Việt Nam là hình mẫu của tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Chủ tịch Đại hội đồng cũng chia sẻ ưu tiên về quản lý nguồn nước và mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này; cho rằng cần thúc đẩy các biện pháp ngăn ngừa khủng hoảng nước, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về nước ở cấp độ khu vực và toàn cầu; gắn kết các chính sách quốc gia về nước và biến đổi khí hậu; mong muốn Việt Nam sẽ tích cực tham gia, chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị LHQ về Nước trong tháng 3-2023.

Cùng ngày, nhân dịp Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 77, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã tham dự và phát biểu với tư cách khách mời đặc biệt tại Hội nghị về Tác động của Phát triển bền vững (SDI) do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tổ chức. 

Tại phiên thảo luận “Thúc đẩy thương mại bao trùm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp thương mại quốc tế không chỉ phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế thuần túy mà còn cần bảo đảm tính bền vững về môi trường và lợi ích bao trùm cho tất cả mọi người. Theo đó, để chia sẻ công bằng lợi ích thương mại, Phó Thủ tướng đề xuất một số nội dung ưu tiên để thúc đẩy thương mại bao trùm thông qua hợp tác công - tư, trong đó nhấn mạnh người dân và doanh nghiệp cần đóng vai trò trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy thương mại bao trùm; cần xây dựng chính sách thương mại có tính tổng thể, tương hỗ và gắn kết giữa thương mại xanh, thương mại số và thương mại bao trùm; đặc biệt cần tiếp tục phát huy vai trò không thể thiếu của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, công bằng, minh bạch và bao trùm.

Từ góc nhìn của một nền kinh tế có độ mở hơn 200%, đã tham gia mạng lưới 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, bao gồm cả các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường, Phó Thủ tướng khẳng định bài học kinh nghiệm quan trọng mà Việt Nam đã rút ra là không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2030 với quan điểm: phát triển xuất nhập khẩu phải dựa trên cơ sở hài hòa giữa các mục tiêu ngắn và dài hạn, giữa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả của người dân; gắn thương mại công bằng với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu và khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

P.V  (Theo TTXVN)

Chia sẻ bài viết