19/11/2008 - 07:49

Thủ tướng Nhật đối mặt nguy cơ mất chức

Thủ tướng Nhật Taro Aso “đau đầu”. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nhật Taro Aso từng tự tin rằng ông sẽ giúp đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền lấy lại sự ủng hộ của dân chúng bằng cách kêu gọi tổng tuyển cử sớm ngay sau khi lên nắm quyền hồi tháng 9. Tuy nhiên, hai tháng sau khi trở thành thủ tướng, ông Aso buộc phải trì hoãn cuộc bỏ phiếu, được cho là đầy rủi ro đối với LDP vào thời điểm hiện tại, để tập trung vào ưu tiên lớn hơn là đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế.

Chẳng những không khôi phục được niềm tin cho LDP, Thủ tướng Aso còn có thể sẽ trở thành người đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên cầm quyền của đảng này (từ năm 1955 đến nay, chỉ có 10 tháng LDP không nắm quyền điều hành đất nước). Theo nhà phân tích chính trị độc lập Hirotaka Futatsugi, sai lầm của ông Aso là không kêu gọi bầu cử sớm ngay sau khi lên nắm quyền. Vì khi đó, tỷ lệ ủng hộ nội các của ông tăng lên khoảng 50%. Còn hiện tại, theo kết quả thăm dò dư luận của truyền hình ANN công bố hôm 17-11, tỷ lệ ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Aso đang ở mức thấp kỷ lục 29,6%, trong khi tỷ lệ không ủng hộ tăng lên tới 46,8%.

Tỷ lệ ủng hộ giảm một phần do ông Aso bị phê phán thường xuyên lui tới các quán bar đắt tiền, trong lúc người dân đang nỗ lực vượt qua cơn suy thoái kinh tế đầu tiên trong vòng 7 năm qua. Nhưng quan trọng hơn là sự bất nhất của Thủ tướng Aso về phương án chi tiền kích thích kinh tế. Ngày 20-10, ông tuyên bố sẽ phân bổ 20 tỉ USD cho tất cả các hộ gia đình ở Nhật, vị chi mỗi gia đình nhận được 640 USD. Nhưng tới ngày 4-11, ông nói rằng gia đình giàu sẽ không được trợ cấp. Sau đó, ngày 12-11, ông lại “đính chính” rằng chính quyền địa phương sẽ quyết định vấn đề này. Theo khảo sát của tờ Asahi hôm 11-11, 63% người được hỏi không thích ý tưởng trao tiền mặt này. Còn theo khảo sát của ANN, khoảng 60% số người được hỏi không tán thành nội dung chính của chương trình kích thích kinh tế cả gói trị giá 300 tỉ USD của ông Aso.

Trong bối cảnh đó, đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập gia tăng sức ép đòi tiến hành bầu cử sớm. Chủ tịch DPJ Ichiro Ozawa (từng là quan chức cao cấp của LDP nhưng rời đảng này hồi năm 1993) cho rằng các chính sách của đảng cầm quyền không hiệu quả vì nó được soạn thảo bởi một bộ máy quan liêu đang nỗ lực duy trì quyền lực. Hôm qua 18-11, DPJ đã tẩy chay các cuộc thảo luận tại Thượng viện sau khi Thủ tướng Aso không trình dự thảo ngân sách bổ sung theo đề nghị của ông Ozawa. Động thái của DPJ buộc Thượng viện phải hủy cuộc bỏ phiếu về dự luật gia hạn sứ mệnh tiếp nhiên liệu của hải quân Nhật trên Ấn Độ Dương. Kiểm soát Thượng viện từ tháng 7 năm ngoái, DPJ luôn tìm cách cản trở việc gia hạn sứ mệnh này, góp phần dẫn đến sự ra đi của hai người tiền nhiệm của ông Aso là Shinzo Abe và Yasuo Fukuda.

Tình hình trên cho thấy ông Aso, 68 tuổi, có thể sẽ trở thành thủ tướng thứ ba của Nhật phải từ chức kể từ tháng 9-2007 tới nay.

NGUYỄN MINH (Theo AFP, Reuters, Bloomberg)

Thủ tướng Nhật Taro Aso “đau đầu”. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết