23/09/2018 - 09:47

Thủ tướng May quyết không lùi bước trước EU 

Trong tuyên bố thách thức Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Anh Theresa May hôm 21-9 chỉ trích việc các lãnh đạo của khối từ chối thỏa hiệp là điều “không thể chấp nhận”; đồng thời cho biết Anh vẫn không loại trừ kế hoạch rời EU (Brexit) mà không có thỏa thuận nào.

Nữ Thủ tướng Anh Theresa May tại hội nghị thượng đỉnh EU hôm 20-9. Ảnh: Reuters

Cách đó một ngày, các quan chức EU tại hội nghị thượng đỉnh ở Salzburg (Áo) đã thẳng thừng bác bỏ “Kế hoạch Chequers” của bà May. Kế hoạch được phác thảo với trọng tâm giữ Anh lại trong thị trường đơn nhất của khối đối với hàng hóa và nông nghiệp nhưng loại trừ lĩnh vực dịch vụ cũng như nguyên tắc tự do dịch chuyển lao động nội khối. Kế hoạch cũng không thiết lập “đường biên giới cứng” giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.  Bắc Ireland là một phần của Vương quốc Anh và sẽ rời EU dù nằm chung hòn đảo với Cộng hòa Ireland, nước thành viên EU. Trước đó, EU kiên quyết không nhượng bộ khi yêu cầu Anh phải ký vào giải pháp dự phòng đối với vấn đề Bắc Ireland nhằm đảm bảo không có đường “biên giới cứng” thời hậu Brexit. Nguyên tắc được đưa ra với kế hoạch dự phòng là Bắc Ireland cần ở lại trong liên minh hải quan và thị trường đơn nhất đối với hàng hóa cho đến khi Anh tìm ra giải pháp cho vấn đề đường biên giới. Trong khi đó, Thủ tướng May lại muốn kế hoạch đảm bảo này được áp dụng trên toàn nước Anh chứ không riêng Bắc Ireland.

Theo giới phân tích, Thủ tướng Anh và các nhà lãnh đạo châu Âu đều có lập trường cứng rắn và không chấp nhận kế hoạch của đối phương. Kế hoạch dự phòng giải quyết tình trạng khó xử biên giới Ireland là điều kiện để thúc đẩy đàm phán. Nhưng đồng ý thỏa thuận có thể phá hủy kế hoạch của bà May trong các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại tương lai, gây ảnh hưởng “Kế hoạch Chequers”. Ngược lại, vấn đề biên giới không giải quyết đồng nghĩa không có “giai đoạn chuyển tiếp” và viễn cảnh Brexit trong hỗn loạn có thể thành hiện thực.

Đối với đề xuất của bà May, các quan chức EU nói rằng kế hoạch này “sẽ làm suy yếu” một trong những nguyên tắc sáng lập thị trường đơn nhất của khối: sự di chuyển tự do của người dân các quốc gia. Thủ tướng May cũng bị cáo buộc cố trì hoãn với hy vọng EU “xuống thang” khi thời hạn Brexit đang đến gần. Sau cuộc họp hôm 20-9, các lãnh đạo EU nói rằng họ sẽ thúc đẩy một thỏa thuận trong hội nghị vào tháng tới. Nhưng cũng như Anh, khối này cảnh báo đang chuẩn bị cho kịch bản Brexit mà không có thỏa thuận nào.

Phát biểu tại Văn phòng ở số 10 Phố Downing, Thủ tướng May nói rằng việc EU bác kế hoạch mà không đưa ra giải pháp thay thế là điều không thể chấp nhận. Qua đây, lãnh đạo Anh cáo buộc Brussels gây “bế tắc” khi các bên chỉ còn vài tháng để đạt được thỏa thuận trước khi Anh chính thức rời khối vào tháng 3-2019. Thủ tướng May cũng nói rõ không đảo ngược kết quả trưng cầu dân ý năm 2016 cũng như không chia rẽ đất nước trong vấn đề biên giới Bắc Ireland. Đồng thời, bà nhấn mạnh đang chuẩn bị kế hoạch Brexit mà không có thỏa thuận và rằng viễn cảnh này chỉ có thể ngăn chặn nếu EU “đàm phán nghiêm túc và đối xử tôn trọng hơn” với Anh.

Tiến trình đàm phán với EU đang đổ vỡ khiến căng thẳng chính trị tại Anh leo thang, đẩy bà May vào thế khó để bảo vệ kế hoạch cũng như cương vị thủ tướng. Do đó, giới quan sát cho rằng phát biểu cứng rắn của bà May là nhằm xoa dịu phe bài EU trong nội bộ đảng trước thời điểm diễn ra hội nghị thường niên đảng Bảo thủ vào cuối tháng này khi một số nhân vật chủ chốt theo phái hoài nghi châu Âu dự kiến lôi kéo thành viên trong đảng chống lại Thủ tướng. Báo chí Anh gọi bài phát biểu ngày 21-9 của Thủ tướng May là “lời tuyên chiến” đối với các nhà lãnh đạo EU, bởi bà  bỏ qua phong cách ngoại giao thường thấy để cáo buộc EU  không tôn trọng Anh bằng cách bác bỏ các đề xuất trong bản kế hoạch mà không đưa ra lời giải thích hoặc đề xuất thay thế thỏa đáng nào.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Thủ tướng May