26/07/2015 - 21:07

Thủ tướng Anh vận động cuộc chiến chống IS tại Đông Nam Á

Thủ tướng Anh David Cameron đã bắt đầu chuyến thăm quan trọng tại hai quốc gia Đông Nam Á có đông người Hồi giáo sinh sống là Indonesia và Malaysia nhằm vận động cuộc chiến chống nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang lộng hành tại Trung Đông.

Vị thủ tướng chính phủ Anh đã bắt đầu chuyến công du kéo dài 4 ngày tới Đông Nam Á từ 26-7. Trong chuyến đi này, nhà lãnh đạo xứ sương mù dự kiến sẽ đưa ra các hỗ trợ chống khủng bố thực tế dành cho Indonesia và Malaysia trong việc đối phó với những kẻ cực đoan Hồi giáo, chẳng hạn như ngăn chặn chiến binh nước ngoài gia nhập IS, điều tra các âm mưu khủng bố tiềm năng và cải thiện an ninh hàng không. Thủ tướng Cameron đồng thời sẽ có các cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Malaysia Najib Razak để thảo luận về mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Ông ngoài ra cũng dự định sẽ học hỏi công tác đối phó với các tư tưởng cực đoan từ Jakarta và Kuala Lumpur.

Thủ tướng Anh David Cameron tỏ rõ quyết tâm chống IS trước khi khởi hành tới Indonesia. Ảnh: Telegraph

 

Phát biểu trước khi khởi hành tới Indonesia, ông Cameron nói rằng IS là "một trong những mối đe dọa lớn nhất mà thế giới chúng ta đang phải đối mặt". Theo ông, "những kẻ khủng bố tàn bạo" sẽ chỉ bị đánh bại nếu các nước đoàn kết chống lại "kẻ thù chung" của họ. "Tất cả chúng ta đang đối mặt với một mối đe dọa từ các chiến binh ngoại quốc và từ sự cực đoan trong nước ngày càng gia tăng. Do đó, chúng ta phải cân nhắc đến việc giúp đỡ các nước khác" - Thủ tướng Cameron nói thêm. Ước tính của chính phủ Anh cho thấy, khoảng 500 người từ Indonesia và khoảng 200 người từ Malaysia hiện đang tham chiến với IS tại Iraq và Syrie.

Theo tờ Telegraph, Thủ tướng Cameron cùng ngày cũng lệnh cho các quan chức chính phủ bắt đầu lập kế hoạch can thiệp tại Libye, nơi được xem là "thiên đường" của các tay súng IS. Đề cập đến Libye, ông tiết lộ rằng Luân Đôn đang sẵn sàng quay trở lại Tripoli để đối phó cái gọi là "chết vì sùng bái IS". Giới phân tích cho rằng hành động của Luân Đôn tại Libye có thể bao gồm việc triển khai các chuyên gia để hỗ trợ các quan chức chính phủ Libye tổ chức các hoạt động an ninh, cũng như các đội huấn luyện quân sự trong cuộc chiến chống lại IS.

Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng chiến dịch không kích IS và PPK

Trong khi đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng các cuộc không kích xuyên biên giới nhằm vào IS tại Syrie, các căn cứ của các chiến binh thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại miền Bắc Iraq và bắt giữ gần 600 nghi can khủng bố.

Theo hãng thông tấn CNN của Mỹ, chiến đấu cơ của không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh trúng nơi trú ẩn, boongke, kho vũ khí và các điểm hậu cần của PPK. Đây được xem là lần đầu tiên chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ tấn công các vị trí của PKK tại miền Bắc Iraq kể từ khi một thỏa thuận hòa bình được ký vào năm 2013 giữa Ankara và PKK. Các cuộc không kích được đưa ra giữa lúc có những cáo buộc cho rằng PPK đã ngầm hỗ trợ IS. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cam kết sẽ đưa ra "tất cả các biện pháp cần thiết nếu PPK tiếp tục triển khai các cuộc tấn công", đồng thời nhấn mạnh các hoạt động quân sự chống lại IS ở miền Bắc Syrie là nhằm mục đích giữ cho các nơi trú ẩn của người tị nạn được an toàn. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, hiện có hơn 1,8 triệu người Syrie đang tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Chỉ huy quân sự của PPK ngay lập tức tuyên bố thỏa thuận này đã "trở nên vô nghĩa" và nó sẽ được thay thế bằng việc "mở rộng cuộc kháng cự có vũ trang" nhằm đáp trả "cuộc chiến tranh xâm lược" của ankara.

Vụ đánh bom bằng xe hơi nhằm vào một chiếc quân sự đang đi ngang qua khu vực gần thành phố Diyarbakir, tỉnh Đông Nam có đông người Kurd sinh sống tối 25-7 làm 2 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và 4 người khác bị thương có thể là đòn trả đũa tức thời của PPK.

TRÍ VĂN
(Theo BBC, Telegraph, CNN, The National)

TRÍ VĂN (Theo BBC, Telegraph, CNN, The National)

Chia sẻ bài viết