19/09/2011 - 13:34

Thử thách quan hệ Mỹ - Pakistan

Bang giao giữa Mỹ với Pakistan, đồng minh không thể thiếu trong cuộc chiến chống khủng bố kéo dài một thập niên qua, xem ra ngày một căng thẳng. Việc Washington phê bình Islamabad “mắt nhắm mắt mở” đối với các nhóm phiến quân sử dụng nước này làm nơi trú ẩn để tấn công vào quốc gia láng giềng Afghanistan không còn là chuyện hiếm, nhưng có lẽ chưa bao giờ tần suất lẫn mức độ quyết liệt lại cao như hiện nay, sau vụ tòa đại sứ Mỹ cùng bộ chỉ huy NATO bị tấn công một cách táo tợn ở Thủ đô Kabul hôm 14-9 làm khoảng 20 người thiệt mạng.

Đại sứ Mỹ tại Pakistan Cameron Munter hồi cuối tuần rồi đã nói không úp mở rằng chính quyền sở tại có dính líu tới mạng lưới Haqqani- bị Washington cáo buộc là thủ phạm gây ra vụ tấn công (Haqqari, có dây mơ rễ má với cả Taliban và Al-Qaeda, hiện được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của Afghanistan). “Có bằng chứng cho thấy quan hệ giữa Haqqani với chính phủ Pakistan. Điều này phải được chấm dứt. Cần bảo đảm rằng chúng ta cùng hợp tác chống khủng bố”-ông Munter nói gay gắt. Theo hãng tin CNN, phát biểu của đại sứ Munter rất đáng chú ý bởi được đưa ra trong thời điểm quan hệ song phương đang hết sức căng thẳng và với thái độ thẳng thừng như vậy.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Michael Mullen trong cuộc gặp với người đồng cấp Pakistan Ashfaq Kayani tại Tây Ban Nha ngày 16-9 cũng khẳng định có những “phần tử” trong Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) đang “hỗ trợ trực tiếp” cho Haqqani. Đây không phải là lần đầu tiên Đô đốc Mullen nói ISI bao che cho nhóm này.

Một ngày sau khi xảy ra vụ bao vây và nã đạn vào đại sứ quán Mỹ cùng tổng hành dinh NATO tại Afghanistan, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tỏ ra hết kiên nhẫn đối với Islamabad. Theo ông, không thể chấp nhận việc Haqqani thực hiện các vụ tấn công đẫm máu như vậy, sau đó lẩn trốn an toàn ở khu vực bên kia biên giới. “Thông điệp họ cần phải biết là chúng ta sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ binh sĩ của mình”- ông Panetta ám chỉ việc sẽ đẩy mạnh các cuộc không kích bằng máy bay không người lái vào những căn cứ của phiến quân ở Pakistan, điều mà Islamabad luôn phản đối vì cho rằng xâm phạm chủ quyền quốc gia. Do vậy, chữ “họ” trong phát biểu của ông chủ Lầu Năm Góc có thể không đơn thuần để chỉ Haqqani.

Lâu nay, Mỹ vẫn thường cáo buộc tình báo Pakistan chơi trò hai mặt đối với các nhóm cực đoan, nhằm gây ảnh hưởng lên Afghanistan và làm giảm sức mạnh của “đối thủ truyền kiếp” là Ấn Độ. Về phần mình, dĩ nhiên Islamabad một mực bác bỏ việc họ dung túng Haqqani cũng như các nhóm phiến quân khác. Bộ Ngoại giao Pakistan còn gọi những nhận xét mới đây của giới chức Mỹ là “không phù hợp”.

Quan hệ Washington- Islamabad đã bị “rung lắc” dữ dội sau vụ Mỹ đơn phương mở chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại Abbottabad hồi tháng 5, rồi hai tháng sau đó lại đình chỉ khoản viện trợ quân sự trị giá 800 triệu USD cho Pakistan. Đáp lại, Islamabad tuyên bố trục xuất 200 quân nhân Mỹ. Trong bối cảnh như vậy, việc các quan chức quân sự lẫn ngoại giao Mỹ không tiếc lời chỉ trích chính quyền Pakistan một lần nữa thử thách khả năng chịu đựng của mối quan hệ vốn đã không còn bền chặt như xưa.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết