17/06/2020 - 21:41

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ 

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 17-6, Quốc hội biểu quyết Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Sau đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Việc xây dựng dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu lực pháp lý các quy định điều chỉnh việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; đồng thời khắc phục các quy định bất cập, hạn chế của Pháp lệnh về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.

Thảo luận tại tổ trước đó, các đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nhiều ý kiến đã góp ý về: đối tượng áp dụng; chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế; nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế; chấm dứt hiệu lực và tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế...

Sau nội dung này, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Buổi chiều, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) với 446/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,34% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật Đầu tư (sửa đổi) với 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục kèm theo. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021.

Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan cơ chế kiểm soát, giám sát ngành, nghề đầu tư kinh doanh và điều kiện đầu tư kinh doanh; đồng thời đưa ra những tiêu chí rõ ràng đối với việc bãi bỏ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Một trong những điểm đáng chú ý là luật cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

Liên quan quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt (Điều 20), có ý kiến đề nghị bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định các dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội khác tại điểm c khoản 2, vì quy định này chưa rõ ràng về tiêu chí, dự án ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt đã được quy định tại điểm a và b tại khoản này.  Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu bỏ quy định tại điểm c khoản 2 của Điều này.

Giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu theo hướng không quy định mức trần của chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt tại khoản 3 Điều 20 mà chỉ quy định mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai.

Đồng thời, Luật bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 13 và bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 14 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tại khoản 4 Điều 75 của dự thảo Luật, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và để chính sách ưu đãi được thực hiện ngay sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực, tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động trong đàm phán, thu hút đầu tư.

“Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy định tại Điều này chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư mới, không áp dụng đối với các dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành” - ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Toàn bộ nội dung tại Điều 20 cũng được Quốc hội biểu quyết thông qua với 448/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,75% tổng số đại biểu Quốc hội).

TTXVN

Chia sẻ bài viết