05/09/2012 - 22:00

Thông điệp từ Vladivostok

Các hội nghị đang bắt đầu diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố cảng Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga được lãnh đạo Mát-xcơ-va, chính quyền và nhân dân địa phương kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển cho vùng đất này.

Từ trước khi Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) thành công, chính quyền phong kiến Nga đã xây dựng một đường ray xe lửa dài tới 9.300 km từ Mát-xcơ-va đến Vladivostok trong một thời gian ngắn kỷ lục. Năm 1922, ban lãnh đạo Xô-viết đề xuất xây dựng một con đường siêu cao tốc nối Mát-xcơ-va với Vladivostok, Luân Đôn và Bắc Kinh. Năm 1959, Bí thư thứ nhất đảng Cộng sản Xô-viết Nikita Khrushchev muốn phát triển Vladivostok như thành phố San Francisco của Mỹ.

Từ khi lên làm Tổng thống Nga đầu năm 2000, ông Vladimir Putin đã ngay lập tức biến giấc mơ của dân Nga thành hiện thực khi xây dựng một cây cầu trị giá 500 triệu USD nối liền hai huyện “vùng sâu vùng xa” của Vladivostok, đồng thời đặt niềm tin đây sẽ là thành phố mang tầm vóc châu Âu và là trung tâm của thế giới. 5 năm sau, Tổng thống Putin lại đầu tư xây dựng cây cầu thứ hai, cầu cáp treo lớn nhất thế giới trị giá 1 tỉ USD với các trụ cột chính cao gần bằng Tháp Eiffel tại Paris (Pháp).

Cho đến khi diễn ra hội nghị cấp cao APEC, nước Nga đã bơm 21 tỉ USD đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và du khách quốc tế. Thành phố này theo nghĩa tên gọi là “Người cai trị phương Đông”nhưng từ lâu bị xem là nơi xa xôi hẻo lánh đối với phần còn lại của quốc gia có diện tích lớn nhất hành tinh. Nhiều lớp thanh niên có trình độ đã lần lượt ra đi và hiện chỉ còn khoảng 600.000 cư dân.

Nhưng với những nỗ lực đầu tư lớn đã có sẵn và sắp tới là nhiều công trình đồ sộ chuẩn bị cho Olympic mùa Đông 2014 tại khu nghỉ dưỡng Sochi trên Biển Đen, Vladivostok sẽ đóng vai trò là nền tảng, bệ phóng khai phá cả vùng Viễn Đông rộng lớn, giàu tài nguyên, thưa thớt dân cư đang rất cần nguồn vốn, nhân lực từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương năng động nhất thế giới.

Hơn nữa, như Thủ tướng Dmitry Medvedev mới đây đã phát biểu, nhiệm vụ lớn mà giới lãnh đạo Nga đang phải tiếp tục đối mặt tại vùng lãnh thổ phía Đông là “ngăn chặn sự bành trướng quá mức của những công dân đến từ các quốc gia giáp biên”, nhằm ám chỉ sự xâm lấn của công dân Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất hành tinh.

ĐỨC TRUNG (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết